Cần nỗ lực lớn để hoàn thành cả “hai vai” trách nhiệm với người nông dân
Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) tạp chí Nông thôn mới đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn – Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An.
PV: Với trách nhiệm là Đại biểu HĐND, đồng thời là cán bộ lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, ông đã sử dụng những phương thức nào để nắm bắt, tiếp thu ý kiến của cử tri, nhất là cử tri nông dân và gạn lọc, tập trung, cô đúc lại để đưa những vấn đề quan trọng nhất lên nghị trường?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Để làm tốt vai trò đại biểu dân cử, cũng như tạo sự đồng thuận xã hội đối với các quyết sách của Hội đồng Nhân dân, một trong những việc cần làm của người đại biểu là phải sâu sát để nắm được tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh với nhiều cách tiếp cận khác nhau như: Tiếp xúc cử tri theo Kế hoạch của Thường trực HĐND trước và sau các kỳ họp thường kỳ; tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Tổ đại biểu (khi có nguyện vọng của cử tri tại đơn vị được bầu hoặc trên địa bàn được phân công phụ trách có điểm nóng xảy ra); thông qua hoạt động tiếp công dân; thông qua đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; qua các đề xuất, kiến nghị trong các báo cáo ngành dọc từ cơ sở; các cuộc kiểm tra, giám sát, làm việc, sinh hoạt với cơ sở; hay nắm bắt thông qua hội nghị, diễn đàn, các kênh báo chí, truyền thông, các mạng xã hội chính thống hoặc thông qua dư luận xã hội… Từ đó, người đại biểu gạn lọc, đối chiếu, tìm hiểu, làm rõ bản chất của thông tin, mức độ cấp thiết và khả năng sử dụng của thông tin, để lựa chọn phương thức và bối cảnh biểu đạt phù hợp, hiệu quả. Cốt lõi của người đại biểu là phải chủ động sáng tạo trong nắm bắt thông tin, tích cực đồng hành với cử tri và chính quyền, để làm tròn vai người đại biểu, đồng thời tham gia hiệu quả vào hoạt động của cơ quan lập pháp tại địa phương.
PV: Thưa ông, cái tương đồng và cái khác biệt giữa Đại biểu HĐND nói chung, và Đại biểu HĐND đại diện cho hội viên nông dân nói riêng, là ở những điểm nào, và làm gì để làm nổi bật được tiếng nói người đại biểu của nông dân?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Có thể thấy rõ nhất về nét tương đồng giữa Đại biểu HĐND nói chung và Đại biểu HĐND đại diện cho hội viên nông dân nói riêng, là cùng là đại biểu HĐND được cử tri và nhân dân tín nhiệm, bầu ra; cùng có chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ như nhau.
Tuy nhiên, giữa Đại biểu HĐND và Đại biểu HĐND đại diện cho hội viên nông dân có những điểm khác biệt dễ dàng nhận ra. Đi cùng với sự phát triển của đất nước, giai cấp Nông dân là lực lượng tất yếu, trực tiếp nhất, tham gia, gắn bó với chính sách “tam nông”, trong khi Việt Nam là một nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp, mặt bằng trình độ dân trí nói chung còn có điểm hạn chế, nên việc thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, có lúc phát sinh vấn đề phức tạp... Do vậy, người đại biểu HĐND đại diện cho hội viên nông dân cần dành nhiều thời gian hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, từ đó tham mưu cho các cơ quan hữu quan có biện pháp, giải pháp phù hợp.
Để làm nổi bật được trách nhiệm về vai trò tiếng nói đại biểu của cử tri nói chung và của nông dân nói riêng, người đại biểu cần phải am hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa ứng xử, tình hình thực tế của địa phương, của hội viên nông dân để tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện. Đồng thời, thông qua hoạt động của đại biểu hội đồng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cử tri, đặc biệt là cử tri là hội viên nông dân.
Để hoàn thành những công việc ấy, người đại biểu Hội đồng nhân dân đồng thời là cán bộ Hội Nông dân như chúng tôi phải không ngừng học hỏi, bồi dưỡng kiến thức và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của hội viên để cùng Hội đồng nhân dân tỉnh ra quyết sách, giải pháp tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đất nước gắn liền với xu thế của thời đại, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện.
PV: Trong điều kiện hiện nay, ông gặp những thuận lợi và khó khăn nào trong việc thực thi nhiệm vụ đại biểu HĐND?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Có thể thấy mặt thuận lợi nhất mà người đại biểu có được đó là: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu HĐND; trình độ cử tri và nhân dân có nhiều tiến bộ, am hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân và gia đình đối với xã hội và các vị đại biểu dân cử; những tiến bộ khoa học của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cử tri và Nhân dân tiếp cận và biểu hiện quyền cũng như nghĩa vụ công dân. Sự phát triển của internet đã làm nền cho việc hình thành các hình thức giao tiếp mới, nhanh và thuận tiện, hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó nền tảng mạng xã hội là ví dụ. Một khi đại biểu và cử tri hiểu được mặt hạn chế của mạng xã hội để khắc phục, đồng thời phát huy những mặt tích cực, thì giao tiếp trực tuyến là giải pháp tốt để đại biểu tương tác thường xuyên với cử tri và nhân dân…
Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn, trong đó phải kể đến việc phải kiêm nhiệm chức vụ nên không có nhiều thời gian cho hoạt động của Hội đồng như mong muốn; các luật, và một số văn bản dưới luật còn có nội dung chồng chéo, chưa phù hợp với nhu cầu của sự phát triển và xu thế thời đại; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên còn bất cập, chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí, chức năng của Đại biểu Hội đồng nhân dân nên công tác phối hợp kết quả chưa cao, đặc biệt là trong công tác giải trình, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của Đại biểu… Bên cạnh đó, giai cấp Nông dân nước ta cho đến nay vẫn là thành phần đông đảo nhất trong xã hội, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các thành phần trong giai cấp Nông dân phát triển đa dạng không còn thuần nông như trước, một số bộ phận các thành phần của giai tầng khác có xu hướng đầu tư, tham gia trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, một bộ phận nông dân thoát ly làm công nhân, nhưng sau một thời gian lại quay về quê làm nông… Thực tiễn đa dạng nhưng vẫn còn thiếu những nghiên cứu cơ bản, kịp thời trên quy mô rộng làm nền tảng cho những khuyến nghị chính sách lớn. Đó cũng là một trong những khó khăn, thử thách đối với người đại biểu dân cử trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.
PV: Ông có kiến nghị, đề xuất gì để tiếng nói của nông dân nói riêng, tiếng nói của Đại biểu dân cử nói chung, được tôn trọng, lắng nghe thấu đáo?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Để làm được điều đó, Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp thiết thực khắc phục với những khó khăn nêu trên. Song hành là quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo và có những giải pháp thiết thực gắn với từng địa phương và xu thế của thời đại trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đại biểu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu các chủ trương, chính sách nói chung, chủ trương chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.
Là người đại biểu được nhân dân tín nhiệm và bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh, tôi luôn cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, luôn lắng nghe, để nói lên tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề cử tri quan tâm tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, bởi người đại biểu luôn là mắt xích, là cầu nối để đưa tiếng nói của số đông cử tri tới nghị trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bùi Ánh (thực hiện)
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica