Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lao động xuất khẩu bỏ trốn, bị lừa vẫn nhức nhối
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sáng 6/6, Đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt vấn đề với Tư lệnh ngành về giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trang lao động Việt Nam bỏ trốn trong thời gian đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.
18 huyện của 9 tỉnh thành có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao
Theo Đại biểu Trần Quang Minh, việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Mặc dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước có thị trường xuất khẩu lao động khá sôi động.
Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng lao động bỏ trốn. Đồng thời tâm đến vấn đề lao động, tiền lương, môi trường việc làm, cơ hội thăng tiến của cán bộ, công nhân viên chức. Đặc biệt là tình trạng cán bộ xin thôi việc ở Nhà nước sang làm ở lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tìm hiểu cơ hội mới, làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận việc người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài có một bộ phận bỏ trốn, ở lại không về nước đúng thời gian tiến độ. Cao điểm nhất của tình trạng này là vào năm 2017, khi tỷ lệ lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn lên đến 52,2% là con số hết sức đáng báo động, diễn biến này khiến phía Hàn Quốc đã phải dừng toàn bộ Chương trình EPS đối với Việt Nam.
“Quá trình này từng diễn ra hết sức căng thẳng. Phía Hàn Quốc đã phải thực hiện các lệnh trục xuất, thậm chí xử lý hình sự đối với nhiều lao động nước ngoài bỏ trốn hợp đồng ở lại Hàn Quốc. Có những thời điểm Hàn Quốc cấm, dừng tiếp nhận lao động đến từ các địa phương của Việt Nam có nhiều lao động bỏ trốn. Đến nay Bộ LĐ-TB&XH vẫn phải dừng tiếp nhận hồ sở của người lao động của 18 huyện của 9 tỉnh có tỷ lệ cao người lao động bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc. Dù Bộ LĐ-TB&XH không muốn điều này nhưng đây là việc thực hiện theo chủ trương, yêu cầu từ phía bạn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực trạng.
Đến nay, bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của cả phía Việt Nam và Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc chỉ còn 24,6%, (thuộc diện các quốc gia có tỷ lệ bỏ trốn thấp, bởi theo quy định của Hàn Quốc nếu tỷ lệ này dưới 30% sẽ tiếp tục được gỡ bỏ các hạn chế), nên Bộ đang tiếp tục cùng với các địa phương để làm tốt hơn công tác này.
Đối với vấn đề chảy máu chất xám ở khu vực công được Đại biểu Trần Quang Minh quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn cho biết, muốn giữ được người lao động kể cả khu vực công và khu vực tư, điều quan trọng nhất vẫn là thu nhập, đời sống và việc làm của cán bộ, công nhân viên chức phải ổn định, lương phải đủ sống và thu nhập phải đảm bảo cho bản thân và gia đình.
Lao động xuất khẩu bị lừa đảo qua “công ty ma”
Vẫn liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề cập, trong những năm qua tỉ số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá lớn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB&XH làm rõ nguyên nhân cùng những giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Đồng tình với ý kiến của ĐBQH về thực tế gia tăng số lượng lao động xuất khẩu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài năm 2022 là 142.000 lao động, chiếm xấp xỉ 10% số lượng lao động được giải quyết mỗi năm là con số trung bình hàng năm (năm cao nhất là 153.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài tuân thủ theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thông qua các công ty, DN được cấp phép. Hiện nay cả nước đang có 482 DN được cấp phép tuyển dụng, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
“Những người lao động thông qua các công ty, DN được cấp phép rất ít khi bị lừa, phần đông số lao động bị lừa đều liên quan đến những “công ty ma”, công ty không được cấp phép thậm chí là DN trá hình, lừa đảo. Cũng có những trường hợp DN được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng cũng thực hiện lừa đảo cả 2 phía. Từ lừa thu tiền môi giới cao hơn cho đến lừa tuyển dụng đào tạo không đúng ngành nghề, khiến người lao động khi tới thị trường tuyển dụng bị trả về, dẫn tới nhiều lao động phải trốn ở lại vi phạm quy định hợp tác”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Để xử lý những trường hợp này, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các địa phương xử lý, xử phạt nhiều trường hợp. Riêng trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra xử lý 62 DN chủ yếu bằng biện pháp xử phạt tiền. Quá trình xử lý này cũng đã thu hồi giấy phép đối với 4 DN khác. Để xử lý triệt để tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH xác định phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm./.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica