Chuyển đổi số nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên
Gắn hoạt động với nhiệm vụ chuyển đổi số
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch số 80-KH/UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên và Kế hoạch số 825/KH-SGDĐT ngày 29/4/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên về thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Thái Nguyên đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh và cha mẹ học sinh nhận thức về chuyển đổi số, tầm quan trọng và tính cấp thiết của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay nói chung và trong giáo dục đào tạo nói riêng. Để thực hiện được, mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức, tiếp cận và sử dụng từ cơ bản đến thành thạo các phần mềm, các ứng dụng trên môi trường mạng trong công việc và học tập, rèn luyện.
Tiếp đó, ngày 28/5/2021 Trường PTDTNT Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-DTNT để triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm đạt được 03 nhóm mục tiêu: Phát triển Chính quyền số, Phát triển kinh tế số và Phát triển xã hội số theo Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ và thực tiễn của Nhà trường. Cùng với đó, Trường PT DTNT Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chuyển đổi số và Nhóm Cốt cán Công nghệ thông tin để chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Nhà trường đã đầu tư, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin và nhiều phần mềm: Phần mềm quản lý Nhà trường (SMAS), ứng dụng Edu.one; phần mềm quản lý tài chính, tài sản (MISA); ứng dụng Microsoft 365, Microsoft Teams; Cổng thông tin điện tử, Fanpage (http://dtnt.thainguyen.edu.vn/); Hệ thống quản lý văn bản Voffice; phần mềm xếp thời khóa biểu; phần mềm sổ điện tử (Edoc); phần mềm học bạ điện tử (hocba.edu.vn); các phần mềm hỗ trợ dạy học; các ứng dụng: VneID, C-ThaiNguyen, Sổ tay Đảng viên điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử; Chữ ký số Mysign… Cùng với việc đầu tư, trang bị, Nhà trường đã tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trên môi trường số cho đội ngũ và học sinh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức văn phòng.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được Nhà trường triển khai hiệu quả trong các mặt công tác quản lý, điều hành; dạy và học; giáo dục rèn luyện học sinh; kiểm tra, đánh giá; nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh; quản lý tài chính, tài sản, chế độ chính sách; quản lý thi đua, khen thưởng... Cơ sở dữ liệu (CSDL) về đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh và kết quả kiểm tra, thi cử, đánh giá xếp loại học tập, rèn luyện của học sinh được quản lý trên phần mềm SMAS.
Hàng năm, sau khi chuẩn hóa dữ liệu, Nhà trường đều đưa CSDL về đội ngũ giáo viên, học sinh lên CSDL dùng chung của tỉnh và của Bộ GDĐT. Toàn bộ văn bản (trừ văn bản mật) được quản lý trên hệ thống Voffice; một số cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được Nhà trường tổ chức trực tuyến trên Microsoft Teams; toàn bộ hồ sơ, sổ sách được quản lý trên phần mềm Edoc.
Chuyển đổi số trong dạy học tại Trường PTDTNT Thái Nguyên.
Năm học 2022 - 2023 chỉ còn học bạ của học sinh lớp 12 là học bạ giấy, học bạ của học sinh lớp 11 là học bạ bán điện tử quản lý trên SMAS, học bạ của học sinh lớp 10 là học bạ điện tử quản lý trên phần mềm hocba.edu.vn; 100% học sinh được cung cấp tài khoản Viettel Pay và 100% các thanh toán điện tử (không sử dụng tiền mặt) quản lý trên phần mềm kế toán MISA ... Khai thác sử dụng tốt tiện ích chia sẻ, trao đổi thông tin Edu.one của phần mềm quản lý Nhà trường SMAS đã giúp cho cha mẹ học sinh thường xuyên cập nhật thông tin học tập, rèn luyện của con mình và tiện lợi trong việc trao đổi, phối hợp giáo dục với Nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm.
Cổng thông tin điện tử của Nhà trường giúp cho cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh và cha mẹ học sinh kịp thời biết được các hoạt động, chương trình, kế hoạch, lịch công tác, kết quả giáo dục... Có thể khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tốt phần mềm trong chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích to lớn trong công tác giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy và học đã giúp Nhà trường và các thầy, cô giáo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tích cực, đổi mới kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, có nhiều học liệu đa dạng, phong phú phục vụ dạy và học, tạo nên các giờ học và các hoạt động giáo dục sinh động, hấp dẫn, vừa thu hút vừa phát huy tốt sự chủ động, tích cực, sáng tạo của mỗi cá nhân và phát huy năng lực làm việc nhóm trong lao động, học tập, rèn luyện. Đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã giúp Nhà trường chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động, các phương án tổ chức dạy học khác nhau đã đạt được kết quả tốt theo phương châm “học sinh không đến trường nhưng không ngừng dạy - học”. Mặc dù, có những thời điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rất khó khăn, nhưng Nhà trường vẫn thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch năm học.
Cán bộ, giáo viên Trường PTDTNT Thái Nguyên tham gia hội thảo trực tuyến.
Chất lượng giáo dục của Nhà trường luôn được giữ vững, trong tốp trường THPT dẫn đầu của tỉnh; hàng năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 100%, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT xếp thứ 2 toàn tỉnh, trên 90% học sinh trúng tuyển đại học theo nguyện vọng 1, đa số học sinh có tổng điểm thi 03 môn xét tuyển đại học đều trên 20 điểm.
Có thể nói chuyển đổi số đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục mới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên nói chung và Trường PTDTNT Thái Nguyên nói riêng, từ đó sẽ góp phần xây dựng Trường PTDTNT Thái Nguyên chất lượng, thương hiệu, thực sự trở thành trường học hạnh phúc.
Trường PTDTNT Thái Nguyên là trường chuyên biệt vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục đặc thù; 95% học sinh là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cả học sinh dân tộc thiểu số rất ít người (Ngái, Pà Thẻn); 5% học sinh là người dân tộc Kinh đều có hộ khẩu thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn. Chính vì vậy, để đảm bảo điều kiện thực hiện tốt chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, Nhà trường mong muốn tiếp tục được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên về việc tạo mọi nguồn lực để phát triển nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm