Xã hội

Công nhân thất nghiệp hồi hương tìm kế mưu sinh

07:15 01/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, nói về vấn đề lao động và việc làm ở nước ta, nhất là đối với nông dân và công nhân các khu công nghiệp (thực chất vốn là nông dân) trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế và quá trình đô thị hóa. Lao động từng là công nhân giờ thất nghiệp về quê bắt đầu lại cuộc sống không hề có đủ tài chính, đất đai và các nguồn lực cần thiết để có thể sản xuất nông nghiệp.

Trở về tay trắng, thiếu tư liệu sản xuất
Sau gần 10 năm bôn ba đi làm công nhân ở Bình Dương, mới đây vợ chồng anh Nguyễn Trọng Nam (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã phải rời về quê sống. Anh Nam chia sẻ: “Trước 2 vợ chồng vào Bình Dương làm công nhân, tháng nhiều được 20 triệu, tháng ít cũng được 17-18 triệu đồng. Ai ngờ, mấy năm rồi hết Covid -19 lại khủng hoảng kinh tế khiến doanh nghiệp lao đao, đơn hàng giảm mạnh, vợ chồng tôi từ chỗ giảm thu nhập đến chỗ mất việc”.
Nhà có 4 người, có 2 đứa con (1 học lớp 3, 1 học lớp 7) mỗi tháng mất 5 triệu, chưa kể tiền thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, tổng các khoản chi tháng nào cũng phải hết 13-14 triệu là ít. Từ ngày mất việc làm, anh chị đã đi tìm kiếm việc làm mới nhưng công việc không dễ kiếm, nhất là khi cả hai đã ngoài 40 tuổi. Trở về quê sinh sống, vợ chồng anh Nam vẫn gặp khó khăn tìm việc làm. Anh Nam kể: “Cuối năm 2022, gia đình tôi chuyển hẳn về quê, có đi xin việc tại mấy công ty gần nhà nhưng đều được thông báo chưa có đợt tuyển dụng, các công nhân ở công ty này cũng đang bị cắt giảm, giảm thu nhập”.
Loay hoay xin việc không được, vợ chồng anh Nam tính chuyện quay lại làm nông nghiệp, trồng vài sào ruộng rồi kiếm thêm mấy công việc tự do như: Đánh hồ, học thợ xây... để sinh sống nhưng cũng không hề đơn giản. “Tính quay về xem mấy mảnh ruộng ở quê còn canh tác được không để làm nhưng mà dự án họ lấy đất chất đầy vôi vữa, giờ bỏ hoang bao năm không thể canh tác lại. Đất không có, nghề nghiệp cũng không, có khi chúng tôi lại phải rời quê quay lại thành phố tìm kiếm cơ hội làm công nhân”, anh Nam chia sẻ.

Làn sóng công nhân, lao động quay trở về quê sẽ còn tiếp diễn. Ảnh Thanh Hoàng
Tình cảnh “đi không được, ở không xong” như anh Nam cũng là tình cảnh chung của nhiều công nhân lao động mất việc muốn quay trở lại quê hương làm việc, lập nghiệp. Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, năm 2022 tỉnh có khoảng 28.000 người bị mất việc, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm chủ yếu thuộc khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cuối năm 2022 do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hậu Covid-19, đơn hàng của các doanh nghiệp bị giảm mạnh. Bởi vậy đã có hơn 500.000 công nhân, lao động trong cả nước bị mất việc làm và ảnh hưởng trực tiếp, chưa kể số lao động bị ảnh hưởng gián tiếp, như giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập... con số có thể lên tới cả triệu công nhân, lao động.
Giải pháp nào gỡ khó cho công nhân lao động mất việc về quê
Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, không phải tới bây giờ khi thị trường lao động có bất ổn công nhân mới trở về quê. Trước đó, công nhân lao động nhiều tuổi cũng đã phải đối mặt với những đợt sa thải “trá hình”. Nguyên nhân là bởi lao động của chúng ta chủ yếu là lao động phổ thông, không có tay nghề, kỹ thuật vì thế sau một thời gian lao động, các doanh nghiệp thường sa thải để giảm tiền lương, tăng năng suất lao động. “Công nhân có thâm niên tiền lương phải trả cao hơn, chưa kể tuổi cao năng suất lao động lại giảm. Đây chính là lý do lao động nhiều tuổi thường không thể xin được việc làm mới nếu bị sa thải. Lúc này quay trở về quê mưu sinh là giải pháp cuối cùng để sinh sống”, ông Quảng nói.
Chính bởi vì không có kỹ năng nghề, không có vốn tích lũy nên khi trở về quê, phần đa công nhân lao động lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Bài toán lúc này là làm thế nào để hỗ trợ công nhân lao động.
 Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH) cho biết, nhà nước có rất nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, mất việc làm.Trước hết là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị thất nghiệp (có tham gia Bảo hiểm thất nghiệp). Tiếp đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các lớp dạy nghề đào tạo nghề nhằm chuyển đổi việc làm cho nhóm này gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn liên quan tới tư liệu sản xuất của nông dân đã dần bị thu hẹp khi mà quá trình đô thị hóa tăng cao. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng ít đi, khi lao động quay lại muốn làm nông nghiệp không hề đơn giản. Sản xuất nông nghiệp hiện đại thì không có vốn, có tiền, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ thì không có phương tiện canh tác.
 Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động) cho rằng, cần có giải pháp toàn diện để hỗ trợ lao động thất nghiệp quay về quê. “Nếu nhìn ở góc độ tiêu cực thì điều này là bất lợi cho công nhân, nhưng ở góc độ tích cực thì nó có lợi cho việc điều tiết lao động ở các vùng quê”, bà Hương nhìn nhận.
Theo bà Hương thì trước đây, lao động ở các vùng quê rời bỏ làng quê đi làm, nhiều vùng quê thiếu lao động trầm trọng. Đa phần lao động ở quê là người già trẻ con, điều này kìm hãm sự phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế của các vùng quê. Nay nếu lao động trẻ trở về thì sẽ tạo ra một luồng sinh khí cho các vùng quê, trẻ hóa lao động nông nghiệp. “Đặc biệt, không chỉ có những người có trình độ thấp mà người có trình độ, học thức cũng muốn trở về để khởi nghiệp. Điều này được dự báo sẽ tạo ra một khối lượng công việc lớn cho lao động các vùng quê”, bà Hương phân tích. Tuy nhiên, các địa phương, những người lãnh đạo quản lý cũng phải sáng tạo, phải tạo ra cơ chế thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho lao động khởi nghiệp.
Ngoài ra, chính quyền địa phương, ngành Lao động cũng cần có giải pháp tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho lao động mất việc về quê. Song song với đó phát huy các nguồn lực có sẵn từ chương trình tạo việc làm quốc gia, nguồn lực xã hội hóa từ địa phương nhằm tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác