Huyện Đức Linh: Nông dân chủ động chia sẻ, liên kết để cùng nhau ổn định cuộc sống nhờ trồng rau sạch
Trong đó, vườn rau thủy canh của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh là một mô hình tiêu biểu. Đồng thời, với mong muốn chia sẻ cách làm và liên kết với những người trồng rau trong vùng để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trong trồng rau vào tháng 9/ 2019, chị Hòa đã thành lập Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tiến Phát.
Sự ra đời của HTX rau an toàn Tiến Phát không chỉ chuyên sản xuất kinh doanh các loại rau thủy canh mà HTX còn tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm của các thành viên để cung cấp cho thị trường, đảm bảo giá cả và nâng cao thu nhập nhiều nhất cho người trồng rau. Đến nay, HTX có 9 thành viên với diện tích rau thủy canh khoảng hơn 3.000m2.
Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc HTX Rau an toàn Tiến Phát cho biết: Từ ngày chuyển đổi sang mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao, gia đình chị và các hộ nông dân của xã Vũ Hòa đã thoát nghèo và ngày càng có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập khi trồng các cây nông nghiệp khác. Hiện trang trại rau thủy canh công nghệ cao tại hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát tại xã Vũ Hòa đã được chứng nhận VietGAP và Chứng nhận sản phẩm an toàn cho sản phẩm OCOP 3 sao.
Được biết, giá bán các loại rau thủy canh của hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; riêng rau tần ô, xà lách, cải bó xôi là 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, trong thời gian cao điểm lễ, Tết, giá rau xanh cũng được điều chỉnh giá bán để tăng thêm nguồn thu cho các hộ nông dân trồng rau tại xã Vũ Hòa.
Chỉ tính tại vườn rau thủy canh của chị Hòa mỗi tháng, vườn rau sản xuất và cung ứng khoảng 600 - 700 tạ rau các loại. Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng vườn rau của gia đình thu lợi nhuận bình quân từ 15 - 20 triệu đồng.
Đến nay, các sản phẩm rau an toàn của HTX Tiến Phát đã được nhiều người biết đến. Hiện nay, những sản phẩm của HTX đang là đầu mối cung cấp rau chính tại một số chợ trung tâm của huyện Đức Linh. Ngoài ra, sản phẩm rau an toàn có mặt tại một số cửa hàng rau sạch tại Hà Nội, Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố lân cận khác.
Song song với cách thức kinh doanh truyền thống, hiện nay chị Hòa và các thành viên trong HTX rau sạch Tiến Phát đang tích cực tham gia kinh doanh thương mại điện tử thông qua các trang mạng xã hội từ Facebook, zalo, tiktok… Đồng thời, thường xuyên livestream để giới thiệu sản phẩm của HTX rau an toàn Tiến Phát.
Ngoài ra, với phương châm đẩy mạnh liên kết, tạo ra vùng sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cây trồng và đặc biệt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chị Hòa cùng các thành viên trong HTX rau an toàn Tiến Phát thường xuyên mở các buổi tham quan, chuyển giao mô hình trồng rau thủy canh sạch thực tế cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nông dân trong và ngoài tỉnh. Hay các buổi chia sẻ, hướng dẫn các nông dân, khách hàng có nhu cầu trồng rau sạch, rau thủy canh trên khắp cả nước qua hình thức online, điện thoại.
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX rau an toàn Tiến Phát tại xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh là một điểm sáng trong việc về thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân và góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, giảm nghèo bền vững.
- Xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi: Chưa thể xử lý vì còn "đợi" Luật Đất đai
- Hải Dương: "Đòn bẩy" giúp phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
- Xây dựng mô hình HTX tạo sự ổn định, bền vững trong sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL
- Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững