Liên kết sáu nhà

Đắk Lắk liên kết sản xuất hướng tới nông nghiệp bền vững

06:39 29/12/2024 GMT+7
Một trong những giải pháp đang được tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp bền vững là đổi mới mô hình liên kết giữa người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng.
TIN LIÊN QUAN

Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk có 220 hộ liên kết trồng cà phê tổng diện tích hơn 330 ha. Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX cho biết, muốn tăng giá trị kinh tế phải liên kết sản xuất theo quy mô lớn để giảm chi phí đầu vào, tạo ra chất lượng sản phẩm đồng đều đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế. “Giá thu mua sản phẩm cà phê của HTX luôn mua cao hơn với giá trị trường. Đồng thời, HTX còn hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật chế biến. Sau 4-5 năm hoạt động, đền nay rất nhiều thành viên đã cải thiện được kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”, ông Thắng nói.

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, là cách mà công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đang tạo dựng những thành công trên thị trường. Tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Dak lak lien ket san xuat huong toi nong nghiep ben vung hinh anh 1

Thành viên HTX Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cải thiện kinh tế từ liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Dak Lak cho biết, nhờ liên kết, DN cũng chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng. “Từ trách nhiệm và ý thức của người nông dân đã đưa họ thành những đối tác hợp tác, người nông dân trở thành những doanh nhân nông nghiệp. Khi có ý thức tốt, người nông dân sẽ hành động tốt, đó là cơ sở rất vững chắc để các công ty đưa nông sản của mình ra thế giới”, ông Huy cho hay.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 470 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có khoảng 150 HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa. Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk cho biết, phần lớn các chuỗi liên kết đang tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, các loại cây ăn trái… việc liên kết đã dần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, đưa sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Liên minh từng bước tiếp cận với chuỗi liên kết để hướng dẫn các HTX cũng như các hộ dân liên kết với các DN một cách bền vững, từ đó đảm bảo về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm”, ông Bài nêu kinh nghiệm.

Dak lak lien ket san xuat huong toi nong nghiep ben vung hinh anh 2

Ngày càng nhiều nông dân ở Đắk Lắk tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong bối cảnh giá cả nông sản không ngừng biến động, việc tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu. Ngành nông nghiệp đang kêu gọi đầu tư xây dựng những chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là với những loại cây trồng chủ lực.

“Đắk Lắk phát triển các vùng sản xuất tập trung, phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng để thúc đẩy tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác. Qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư đến được các vùng nông nghiệp, nông thôn để liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là thúc đẩy chế biến nông lâm sản, tạo ra giá trị gia tăng và tiêu thụ nông sản ổn định cho người dân”, ông Dương cho biết.

Với sự đồng lòng của nông dân, HTX, DN và chính quyền, nhiều mô hình liên kết sản xuất tại Đắk Lắk đang phát huy hiệu quả. Đây không chỉ là lời giải cho bài toán ổn định thị trường mà còn là chìa khóa để nâng cao giá trị sản phẩm. Mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, HTX và DN không chỉ tạo ra sự phát triển hài hòa trong chuỗi giá trị, còn là cách để sản xuất nông nghiệp vượt qua những thách thức của thị trường, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác