Xã hội

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, về thể chế

Kiều Thanh Tâm - 14:00 27/11/2024 GMT+7
Ngày 27/11, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chuyển đổi số và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024
Toàn cảnh Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024.

Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ trì hội nghị có ông Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương Hà Nội; kết hợp trực tuyến tới 401 điểm cầu, với hơn 20.500 đại biểu tham dự là cán bộ, đảng viên.

Tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, dự Hội nghị có bà Bùi Thị Thơm -  Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cùng cán bộ, đảng viên cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024

Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024 3

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã nghe 2 nội dung chuyên đề. Chuyên đề thứ nhất do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày, tập trung vào một số chủ trương lớn của Đảng về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhìn lại các giai đoạn phát triển lớn của Việt Nam từ 1945-1954, từ 1954-1975, từ 1975-1986, từ 1986-2020..., có thể rút ra rằng, đất nước ta phát triển mạnh khi sự phát triển của lực lượng sản xuất phù hợp với quan hệ sản xuất. Khi quan hệ sản xuất đi trước, lực lượng sản xuất không theo kịp, đất nước phát triển chậm; khi lực lượng sản xuất (LLSX) đi trước mà quan hệ sản xuất (QHSX)  không theo kịp, thì sẽ bị kìm hãm phát triển. Trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là giai đoạn phát triển mạnh của công nghệ số (là một bộ phận của công cụ sản xuất, thuộc phạm trù LLSX) những năm gần đây, thì QHSX ở nước ta chưa theo kịp, dẫn đến sự kìm hãm phát triển, nếu không có một "cuộc cách mạng" mới trong lĩnh vực này. Hiện nay, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, hướng tới mốc 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) với mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, có thu nhập cao. Muốn đạt được mục tiêu lớn này cần giữ được  tốc độ phát triển cao liên tục trong môi trường không có chiến tranh. Muốn giữ được hoà bình lâu dài, đất nước phải giàu mạnh.

Đến nay, tiềm lực đất nước đã khác trước, khát vọng của dân tộc ta về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được khẳng định từ Đại hội XIII của Đảng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào cao trào phát triển của công nghệ số, làm thay đổi trí óc, tạo ra không gian phát triển mới, tài nguyên mới (dữ liệu số) - đây là những điểm khác hoàn toàn so với các cuộc cách mạng trước đây, tạo ra cơ hội phát triển mới cho các quốc gia, nhất là các nước thuộc "thế giới thứ ba" như Việt Nam.

Công nghệ số đã tạo ra công cụ, tư liệu và phát triển khả năng của con người, đồng thời tạo nên không gian số với những thay đổi so với truyền thống, trong đó có không gian sống, sinh tồn, không gian tăng trưởng mới. Có thể nói cuộc "di chuyển vĩ đại" nhất từ trước tới nay là chuyển từ không gian thực vào không gian số. Trong đó, "chuyển đổi" là là chủ ý, là trung tâm, "số" là tính từ, là giải pháp. Vận dụng vào cuộc cách mạng thay đổi QHSX hiện nay ở nước ta, đó là cuộc cách mạng về thể chế, điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu rất rõ trong thời gian gần đây.

Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024 4
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày một số chủ trương lớn của Đảng về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Để đưa đất nước ta từ vị trí hiện tại từ một nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình lên vị trí một nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, trong 20 năm tới, theo thuyết trình của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Đảng và Nhà nước ta phải có lựa chọn giải pháp chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Lựa chọn đó phải giải quyết được bài toán khó về tăng nhanh năng suất lao động - điều mà nhiều năm qua chưa thành công; sử dụng tài nguyên hiện đại hơn, tiết kiệm hơn;  giải quyết được những hệ luỵ của vấn đề già hoá dân số trong tương lai ở nước ta; giải quyết được các vấn đề xã hội như mức độ tiếp cận y tế, giáo dục của người dân...  Lựa chọn chiến lược đó chính là "chuyển đổi số". 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm gọi chuyển đổi số là cuộc cách mạng, vì chuyển đổi số chạm đến ngành nào, lĩnh vực nào thì sẽ thay đổi ngành đó, từ quản trị Chính phủ, cho đến sản xuất, thương mại, phòng chống tham nhũng, và cả thói quen, văn hoá ứng xử trên môi trường số.

Muốn phát triển đất nước dựa trên chuyển đổi số thì việc đầu tiên phải xây dựng được thể chế, để vừa theo kịp với sự phát triển, vừa kiến tạo sự phát triển, chứ không còn giữ quan điểm quản lý được đến đâu thì mở đến đó, phải loại bỏ cách suy nghĩ không quản được thì cấm, vì nó không còn phù hợp với các bước phát triển của lực lượng sản xuất, mà cụ thể là sự phát triển của công nghệ thông tin. Chúng ta cũng cần phải  xây dựng hạ tầng số, và coi hạ tầng số là một trong những hạ tầng chiến lược quốc gia. Không có hạ tầng số thì đừng nói đến chuyển đổi số, đừng nói đến kinh tế số, vì khi hạ tầng số tăng trưởng 10% thì mặc nhiên sẽ kéo theo tăng trưởng GDP 1%. Để làm được, cần phải có con người với tư duy số, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, đặt ra câu hỏi có thể làm được gì kể cả khi không có đủ điều kiện như cách nghĩ truyền thống, vì chỉ với công nghệ AI thông qua công cụ Chat GPT được huấn luyện, có thể sử dụng như một trợ lý tốt, thay con người đọc "thiên kinh vạn quyển" để đưa ra giải pháp, gợi ý tốt, nhiều khi còn tốt hơn cả một trợ lý bình thường. Khi không có đủ thời gian đọc, hiểu về chuyển đổi số theo cách truyền thống, con người có thể sử dụng chính công nghệ số để hiểu về chuyển đổi số. Các trường hợp nghị quyết đúng, nhưng thực hiện kém cơ bản chỉ vì không có con người làm, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là không có nhân sự làm về công nghệ. Vì vậy muốn chuyển đổi số thành công, cần phải tập trung vào cán bộ, xoá "mù" về chuyển đổi số từ cán bộ cho đến người dân; xây dựng đội ngũ nhân lực số, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành một trung tâm toàn cầu về nhân lực chuyển đổi số, mà điều này thì Việt Nam ta đang có thế mạnh. Trong thời gian gần đây, với 5.000 nhân sự công nghệ đi ra thế giới đã mang về cho Việt Nam 10 tỷ USD, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Cùng với đó, để phát triển chuyển đổi số bền vững, cũng cần xây dựng văn hóa số từ các thôn bản, tổ dân phố, từ trường phố thông. Việt Nam cần làm chủ công nghệ số, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ. Nhà nước chỉ nắm giữ về phát triển khoa học cốt lõi, cần giao cho các doanh nghiệp lớn, mỗi doanh nghiệp làm chủ 1 đến 2 công nghệ cốt lõi, công nghệ chiến lược, tận dụng thế mạnh Việt Nam, người Việt Nam có lợi thế giỏi công nghệ, công nghệ số.

Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024 5
Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV năm 2024 có hơn 20.500 đại biểu tham dự, là cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Ảnh chụp tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Nhà nước phải kiến tạo, xây dựng các yếu tố đảm bảo cho công cuộc chuyển đổi số như pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò phát triển công nghệ, phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức khác. Các doanh nghiệp, tổ chức khác ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tăng doanh thu, tăng hiệu quả, tăng năng suất lao động, sản phẩm / dịch vụ / giải pháp mới, tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, tổ chức.

Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia (top 10) tiên phong đặt mục tiêu về kinh tế số, với mức độ tăng trưởng kinh tế số cao gấp 3 lần tăng tưởng GDP. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam bước vào cuộc cách mạng này không bị mang nhiều "gánh nặng" của quá khứ (những thành tựu lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, đến nay có thể trở thành "gánh nặng" làm chậm lại tiến độ chuyển đổi số, mà câu chuyện về ngành công nghiệp xe điện của Nhật Bản đang đi sau các nước khác hiện nay là một ví dụ - PV). Và một trong những yếu tố để cuộc cách mạng này thành công là có sự tham gia của toàn dân - điều mà Việt Nam có lợi thế vì có Đảng lãnh đạo, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, các quốc gia gần như cùng một vạch xuất phát. Vì vậy, với một quốc gia có khát vọng, có những điều kiện, và có những "câu chuyện" thôi thúc phát triển mạnh, chuyển đổi số chính là cơ hội cho Việt Nam vươn lên thành quốc gia hùng mạnh. Đây là con đường để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm lần thứ nhất, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho 100 năm lần thứ hai, là lời giải cho những vấn đề lớn của Việt Nam mà chưa có lời giải bền vững trong thời gian qua.

Sau chuyên đề do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trình bày, các đại biểu dự hội nghị được nghe chuyên đề thứ hai do TS. Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng trình bày, với chủ đề trọng tâm  “Gương mẫu thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024 5
TS. Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày chuyên đề “Gương mẫu thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Ảnh: Hoàng Tính.

Theo diễn giả, để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải chuẩn bị nguồn nhân lực đủ mạnh, đủ lưu thông. Cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định số 144, gồm 5 nhóm nội dung:

Một là, yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc với các tiêu chuẩn.
Hai là, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập.

Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bốn là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.

Năm là, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Mỗi nhóm nội dung lại gắn với các tiêu chuẩn riêng, gắn với yêu cầu của giai đoạn mới.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương quán triệt, sau hội nghị, các đảng ủy trực thuộc, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần tiếp tục quan tâm triển khai 2 nhiệm vụ trọng tâm: 

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về những nội dung cơ bản của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị khóa VIII về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ Đảng viên trong giai đoạn mới. 

Thứ hai, tập trung tuyên truyền những chủ trương lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, gắn với tuyên truyền về những thành tựu, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến cán bộ, đảng viên, người lao động, nhằm củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động trong các cơ quan trung ương về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và đất nước, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ khối./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác