Doanh nghiệp rất muốn hợp tác lâu dài với nông dân
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH cho biết, doanh nghiệp TH xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.
Có một thực tế hiện nay nhiều nông dân đang bơ vơ không biết sản xuất cái gì để bán cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại muốn xây dựng một vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng. Phía doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ, do đó doanh nghiệp chỉ có thể kết nối với người nông dân thông qua HTX. Tuy nhiên, khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia vào HTX. Do vậy, cần nâng cao hiểu biết cho người nông dân hiểu khi tham gia chuỗi liên kết, HTX hoạt động như một doanh nghiệp.
“Hiện nay, chúng tôi đang triển khai rất thành công mô hình vùng liên kết trồng cây ngô sinh khối ở tỉnh Nghệ An, đã có 4.000 nông dân tham gia vào chuỗi liên kết này, các vùng này họ tập hợp thành lập các HTX, Tập đoàn chỉ việc đến ký thu mua từ các HTX này”, ông Dũng chia sẻ
Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm De Heus Việt Nam bày tỏ muốn được hợp tác, đồng hành với người chăn nuôi Việt Nam. Kinh nghiệm của De Heus ở khu vực châu Âu và thế giới là luôn chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật để góp phần giúp người chăn nuôi độc lập phát triển sản xuất tốt hơn.
De Heus cho rằng, khi tham gia chuỗi liên kết thì sự tin tưởng giữa các đối tác là rất quan trọng. Nhờ giữ lòng tin mới nhau, mà ở châu Âu đã có nhiều HTX thành công. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, nhưng nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi thì sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là năm 2021, nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, trong đó người chăn nuôi bị thua lỗ rất nặng nề vì khó tiêu thụ, giá bán sản phẩm thấp.
Thời điểm đó, De Heus đang tham gia 1 chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ, chúng tôi cung cấp gà giống cho bà con và thu mua gà lông đẻ cung cấp cho các nhà máy giết mổ. Tuy nhiên, giá gà lông lúc đó tại thị trường giá dưới 10.000đồng/kg, trong khi công ty ký cam kết thu mua với người chăn nuôi là 29.000đồng/kg. Công ty biết là thua lỗ nhưng vẫn thu mua gà lông như đã cam kết với bà con, Công ty hiểu rằng lòng tin rất quan trọng trong chuỗi liên kết hợp tác, đã nói là phải làm thôi”, ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam nói.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị về chính sách đất đai của Việt Nam đang là rào cản cho các doanh nghiệp Hàn Quốc có mong muốn đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam.
Ông Hong Sun mong Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.