Xã hội

Đồng Tháp: Nỗ lực cứu bé trai liên tục suốt hơn 75 giờ

08:18 04/01/2023 GMT+7
Đến chiều 3/1, lực lượng chức năng điều động, chuyển đến hiện trường thêm một số thiết bị, máy móc để tiếp tục công tác giải cứu em Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đang bị kẹt trong cọc bê tông suốt hơn 75 giờ qua.

Chú thích ảnh

Công tác giải cứu em Thái Lý Hạo Nam vẫn tiếp tục thực hiện. Ảnh: TTXVN phát

Công tác cứu nạn cứu hộ vẫn đang tiếp diễn ra tập trung cùng sự chỉ đạo, quyết tâm cao của lực lượng thi công, chuyên gia, các đơn vị phòng cháy chữa cháy, bộ đội, công binh Quân khu 9. Sau khi giải pháp cứu hộ bằng máy khoan cọc nhồi được thực hiện nhưng không khả thi, lực lượng chức năng đã bắt đầu chuyển sang triển khai thực hiện giải pháp khác vào chiều 2/1.

Đơn vị thi công đã hàn các đoạn ống vách bằng thép lại thành một đoạn dài khoảng 15 m, đường kính 1,6m. Rạng sáng 3/1, tiến hành đóng ống vách xuống đất bao bọc xung quanh cọc bê tông có bé trai kẹt bên trong. Sau khi đóng ống vách sâu xuống đất, ngành chức năng tiếp tục triển khai dùng mũi khoan guồng xoắn để làm tơi đất, giảm áp lực ma sát vào thành cọc bê tông. Các đơn vị tiếp tục dùng biện pháp này cho đến thời điểm thích hợp sẽ dùng cẩu đưa cọc bê tông lên mặt đất để tiến hành các giai đoạn cứu hộ tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, từ 11 giờ đến 16 giờ 30 phút ngày 3/1, đơn vị thi công vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống vách ra ngoài. Theo đơn vị thi công, đến 14 giờ 30 phút đã làm sạch lượng bùn đất sâu 23/35m bên trong lòng ống. Công tác khoan guồng xoắn vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27m, sau đó tiến hành tròng cáp vào cọc bê tông (gồm 3 đoạn nối lại). Đơn vị thi công tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc bê tông, khi không còn ma sát thì nhổ cọc lên.

Hiện nay, quá trình thi công đoạn bê tông cuối cùng đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm rút ngắn thời gian để nhanh chóng cứu hộ cháu bé. Bên cạnh đó, đơn vị thi công đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn.

Từ khi bé trai gặp nạn, lực lượng chức năng triển khai các hoạt động giải cứu cả ngày lẫn đêm. Để phục vụ công tác cứu nạn, khoảng hơn 200 người được huy động cùng với nhiều phương tiện, máy móc như: cần cẩu, máy đào, xà lan, dàn cọc khoan nhồi, thiết bị xói hút bùn, giàn khoan guồng xoắn, giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ khác.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trước đó, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31/12/2022, một nhóm trẻ em lẻn vào công trường xây dựng cầu Rọc Sen (thuộc xã Phú Lợi) và được bảo vệ phát hiện, đuổi ra khỏi công trường. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, công trường đang nghỉ trưa, nhóm trẻ nói trên lại lẻn vào công trường phía mố MA. Sau đó, một cháu bé đã lọt vào trong lòng cọc ống D500 tại mố MA (Cọc C1-MA) có đường kính trong cọc 25 cm.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác