Giáo hội Phật giáo chung tay xây dựng đất nước hòa bình, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phật giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc
Bày tỏ vui mừng đón tiếp đoàn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Thủ tướng nêu rõ, qua gần hai nghìn năm hiện diện, Phật giáo đã hội nhập, đồng hành và hòa vào đời sống xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố quan trọng trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phật giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi cuộc thăng trầm của đất nước", Thủ tướng cho rằng, Phật giáo ngày càng phát triển, là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam với hơn 18.500 cơ sở thờ tự, gần 55.000 tăng, ni và hơn 14 triệu người đã quy y tam bảo.
Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc "hộ quốc, an dân"; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Từ các triều đại Đinh, Tiền Lê đến triều Lý, triều Trần, bên cạnh các bậc minh quân luôn có các vị cao tăng phò vua, giúp nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều tăng, ni, cư sĩ, Phật tử đã tham gia kháng chiến, nhiều vị đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong những năm qua, với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", tiếp nối dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Giáo hội đã luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc, hết lòng phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
"Tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải đối diện trong nhiệm kỳ qua", Thủ tướng bày tỏ và cho rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã điều hành linh hoạt, sáng tạo các hoạt động Phật sự của Giáo hội, đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển KTXH.
Giáo hội đã khẳng định vai trò tích cực trong hoạt động xây dựng chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Quốc hội nhiệm kỳ XV có 4 đại biểu Phật giáo (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Thượng tọa Thích Đức Thiện và Thượng tọa Lý Minh Đức).
Giáo hội ngày càng nâng cao vị thế, vai trò trong hoạt động quốc tế, tham gia sáng lập và là thành viên của nhiều tổ chức Phật giáo thế giới; tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế ở Việt Nam như Hội nghị Ni giới thế giới (2009), 3 lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (2008, 2014 và 2019); tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế…
Gắn đạo với đời, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Thủ tướng nhấn mạnh, Giáo hội đã làm được nhiều việc ích đời, lợi đạo, thực hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, vận động tăng, ni, Phật tử trong cả nước tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, cùng chung tay trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, vận động cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội với số tiền hàng ngàn tỷ đồng (nhiệm kỳ 2017-2021 đã quyên góp được hơn 7.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các cấp, các ngành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng, ni, Phật tử cả nước đã điều chỉnh các hoạt động tôn giáo phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh, đóng góp sức người, vận động quyên góp vật chất, chung tay cùng chính quyền chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Hàng nghìn tăng, ni, Phật tử đã tình nguyện xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ Vaccine, hỗ trợ trang thiết bị y tế, trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí...
"Tất cả những điều đó thể hiện rõ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là tổ chức tôn giáo gắn đạo với đời, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc", Thủ tướng nói và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận, trân trọng và cảm ơn những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho xã hội và cho đất nước.
Những kết quả đã đạt được của Nhiệm kỳ Đại hội VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước ta thời gian qua, nhất là trong năm 2022. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm ASXH được chú trọng; đời sống người dân được cải thiện: Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so cùng kỳ. Đã hỗ trợ hơn 87 nghìn tỷ đồng cho hơn 55 triệu lao động và trên 850 nghìn người sử dụng lao động.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh được tập trung chỉ đạo, giải quyết như trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ngân hàng yếu kém, củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu.
Thủ tướng lấy ví dụ, 11 tháng qua, vốn giải ngân FDI đạt gần 20 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, "họ thấy yên tâm đầu tư thì mới giải ngân".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. "Trong điều hành, phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, bản lĩnh để nhận diện, thúc đẩy thuận lợi, thời cơ, hóa giải vướng mắc, khó khăn, thách thức một cách bài bản; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang, dao động, lo lắng".
Củng cố và phát huy truyền thống "hộ quốc, an dân"
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Đệ Tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng sẽ có một nhiệm kỳ mới với nhiều thành công; hoạt động và phát triển theo định hướng "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển" mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã đề ra.
Thủ tướng trân trọng đề nghị các quý vị chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, tập trung chỉ đạo Giáo hội một số nội dung. Thứ nhất, tiếp tục vận động tăng, ni, Phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Thứ hai, tiếp tục là tổ chức tôn giáo đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đến nay, nước ta có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đoàn kết tôn giáo vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, Thủ tướng khẳng định.
Thứ ba, tiếp tục củng cố và phát huy truyền thống "hộ quốc, an dân" của Phật giáo Việt Nam với tinh thần "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, qua đó khẳng định tinh thần hội nhập của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực, chủ động hội nhập, thông qua các diễn đàn tôn giáo thế giới để quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tin tưởng rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần từ bi, trí tuệ và phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh quan trọng trong đấu tranh với cái xấu, điều ác; thúc đẩy đoàn kết; phát huy các giá trị cao đẹp, giá trị dân tộc, con người Việt Nam; nỗ lực làm việc tốt, điều thiện; chung tay xây dựng đất nước hòa bình, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Theo Chinhphu.vn