Hà Tĩnh khai hội chùa Hương Tích, mở đầu du lịch năm 2023
Không gian lễ hội kéo dài từ cầu Hạ Vàng (Quốc lộ 1) qua xã Thiên Lộc đến chùa Thượng. Trong đó, các điểm chú trọng gồm: Hạ Vàng, khu vực xã Thiên Lộc, khu vực Ban quản lý (BQL) Khu du lịch chùa Hương Tích, bến thuyền, ga cáp treo, miếu Cô, miếu Cậu, khu vực chùa chính, chùa Thượng.
Chùa Hương Tích được xây dựng từ đời nhà Trần (thế kỷ XIII), chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, gắn với truyền thuyết tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng - thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi chùa này từng được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Thời gian qua, chùa Hương Tích đã được chính quyền các cấp và các tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều hạng mục khang trang hiện đại nhưng không làm mất đi vẻ cổ kính của chùa gốc và cảnh quan thiên nhiên. Không gian để lên đến vị trí ngôi chùa tọa lạc khá rộng rãi. Khi đến tham quan, du khách có thể đi xe điện sau đó tiếp tục một chặng nữa bằng cáp treo hoặc có thể trải nghiệm leo núi để đến vị trí cao nhất của ngọn núi - nơi chùa Hương Tích tọa lạc.
Lễ hội chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng. Việc tổ chức lễ khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2023 là dịp quảng bá hình ảnh con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh.
Quần thể di tích văn hóa tôn giáo chùa Hương Tích Hà Tĩnh bao gồm nhiều công trình, hạng mục. Ngoài thờ Phật, nơi đây còn lập ra nhiều đền thờ Thần mang đậm tín ngưỡng văn hóa của người Việt.
Cung Tam Bảo trong chùa Hương Tích hiện đặt 54 pho tượng Phật cổ được làm bằng gỗ quý hiếm. Các bậc đá, nền đá của chùa có dấu tích rêu phong hầu như còn nguyên sơ theo kết cấu cũ.
Tại lễ hội, ngoài các phần lễ, tế lễ, dâng hương chiêm bái cúng Phật và tham quan du ngoạn cảnh đẹp, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, truyền thống, tham quan trưng bày các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh.
Trong những ngày đầu năm mới Quý Mão, du khách thập phương, các tăng ni phật tử về đây hội tụ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, ấm no. Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh được duy trì từ bao đời nay của người Việt mỗi dịp xuân về.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica