Thái Nguyên:
Hội đồng hành cùng nông dân sản xuất chè hữu cơ
Có được những thành công này là nhờ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực trong việc hỗ trợ hội viên nông dân tập huấn kỹ thuật, đi thăm quan học tập mô hình, hỗ trợ phân bón hữu cơ…
Nông dân dạy nông dân
Chúng tôi đến xã Phú Cường (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) để thăm quan mô hình trồng chè theo phương pháp hữu cơ của gia đình ông Mai Ngọc Tân. Ông Tân cho hay: Ban đầu gia đình tôi cũng khá ngại thay đổi cách chăm sóc trồng trọt nhưng được sự hỗ trợ từ các cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên (Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên) cùng doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, nên gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang hình thức sản xuất chè mới này.
“Bắt đầu từ tháng 7/2023 đến tháng 3/2024, gia đình tôi đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp hỗ trợ cho diện tích 2.000m2 chè. Sau 9 tháng đã thu hoạch được 6 lứa chè, lá chè xanh dày búp, thời gian thu hái rút ngắn từ 5-6 ngày/lứa, khi sao sấy chè ít vụn, búp dai, chè đậm vị, nước xanh, đặc biệt giá trị chè được nâng lên rõ rệt. Trước kia chè búp khô của gia đình bán với giá 150.000-200.000 đồng/kg đến nay giá trị chè được nâng lên từ 400.000-500.000 đồng/kg”, ông Tân cho hay.
Thời gian qua, nhiều hội viên nông dân áp dụng những kiến thức được học đã chủ động canh tác xen canh trên nương chè nhiều loại như: Cây nhàu, cây bồ hòn, cây mần tưới, cây hoa hòe… vừa giúp cây chè phòng trừ một số loại sâu bệnh thường gặp lại tăng thêm thu nhập từ trồng cây xen canh cho các hộ trồng chè.
Ông Lê Đàm Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên cho hay: Thực hiện kế hoạch hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn, trong năm 2023 và quý I/2024, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Công ty TNHH Lucavi tổ chức tập huấn được 20 lớp với 1.640 hội viên nông dân tham gia về kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi trên cây chè, lúa trên địa bàn huyện Phú Lương, Đại Từ.
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực hiện được 58 ô mẫu trình diễn trên diện tích 116.000m2 chè ở 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ (mỗi xã lựa chọn 2 hộ, mỗi hộ 1.000m2). Sau đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 1 cuộc hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm trình diễn ô mẫu cho 180 hội viên nông dân tại 8/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cùng tham gia.
“Sản xuất chè theo hướng hữu cơ vừa đảm bảo chất lượng chè lại nâng cao được sức khỏe cho người trồng chè do không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất chè, Trung tâm đã xây dựng mô hình điểm trong việc trồng chè theo hướng hữu cơ, từ đó nhân rộng mô hình. Với phương châm “Nông dân dạy nông dân”, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các đoàn cho hội viên nông dân đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ngay từ chính những hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn, từ đó đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực”, ông Lê Đàm Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Đồng hành hỗ trợ nông dân
Là đơn vị tích cực phối hợp trong việc đưa hội viên nông dân đi thăm quan học tập kinh nghiệm trong trồng chè theo hướng hữu cơ, ông Trịnh Ngọc Trà - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Phú Lương là địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng ôn hòa rất phù hợp cho cây chè phát triển. Chính vì vậy, cây chè bắt đầu bén rễ trên đất Phú Lương từ năm 1945, đến nay nâng tổng diện tích chè lên trên 4.136ha (hiện toàn huyện đã có hơn 1.100ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 20ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ và 90ha đang thực hiện mô hình tiêu chuẩn hữu cơ).
“Để góp phần nâng cao cho giá trị cây chè, Hội Nông dân huyện Phú Lương đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức đưa hội viên nông dân đi thăm quan mô hình sản xuất chè sạch; được trực tiếp thăm quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ người đi trước đã giúp cho nông dân Phú Lương tự tin về áp dụng vào mô hình của gia đình”, ông Trà cho hay.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng thường xuyên, tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến nông dân sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ để khuyến khích, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu KHCN phù hợp với thực tế phát triển kinh tế hộ gia đình.
Không chỉ hỗ trợ hội viên nông dân đi thăm quan học tập kinh nghiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên còn tích cực phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cung ứng được trên 32,4 tấn phân bón NPK trả chậm cho hội viên nông dân các huyện: Định hóa 26,1 tấn; Đại Từ 05 tấn; huyện Võ Nhai 02 tấn. Đặc biệt tổ chức trao tặng 2,8 tấn phân bón NPK cho 20 hội viên nông dân nghèo tại 10 xã của 02 huyện Định Hóa và Võ Nhai trị giá 40 triệu đồng để có phân bón kịp thời cho cây ngô, lúa.
Hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên trong việc phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn trong việc học nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật tư phân bón chất lượng… đã góp phần quan trọng trong đồng hành cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương và góp sức xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh.
Từ năm 2023 đến nay Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Công ty TNHH Lucavi tổ chức tập huấn được 20 lớp với 1.640 hội viên nông dân tham gia về kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi trên cây chè, lúa trên địa bàn huyện Phú Lương, Đại Từ.