Huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách
Chiều 31/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”.
Ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì hội thảo.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có tính chất hỗ trợ, giúp công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội.
Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (sau đây gọi là Đề án 407).
Đề án 407 xác định việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia, cũng như khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định.
Qua 1 năm thực thực hiện Đề án 407, theo ông Phan Hồng Nguyên, mặc dù các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được tổ chức với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả quan trọng, tích cực, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế.
Cụ thể, hiện nay có thực tế là hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. Việc huy động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
“Để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu đặt ra là cần thu hút, huy động được các lực lượng trong xã hội tham gia, đồng hành cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo và hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách”, ông Phan Hồng Nguyên cho biết.
Phát biểu tham luận, luật sư Nguyễn Duy Lãm cho biết, để huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách cần có 2 yếu tố là tổ chức nhân sự và nguồn lực ngân sách. Kinh phí cơ bản vẫn là ngân sách Nhà nước, bên cạnh đó, huy động nguồn từ các tổ chức quốc tế và cá nhân trong nước.
Về giải pháp huy động các nguồn lực, theo luật sư Lãm, cần phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp chỉ đạo các giải pháp cụ thể, phù hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách, trong đó có việc huy động nguồn kinh phí.
Luật sư cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các cơ quan này phải chủ động giao cơ quan trực thuộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan truyền thông, hiệp hội...
Còn theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, để gia tăng hiệu quả việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ngành, thời gian tới cần cân nhắc 5 nội dung: Xác định nhiệm vụ, định rõ nội dung, khoanh vùng đối tượng, tiếp cận thích ứng, phối hợp nhịp nhàng.
Trong đó, huy động sự tham gia từ cơ sở của các hội đồng, chuyên gia tư vấn để tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng pháp luật nói chung và truyền thông chính sách nói riêng; các chủ thể chịu sự tác động của chính sách phối hợp và vai trò không thể thiếu của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Nếu cơ quan chủ trì soạn thảo không xác định được vai trò của mình, không thực sự lắng nghe, không thực sự tạo ra các kênh, cơ chế đủ rộng, đủ chiều sâu trong tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các bên liên quan thì hoạch định chính sách và truyền thông chính sách sẽ không hiệu quả. Và chính sách đó khi được ban hành sẽ khó mang hơi thở cuộc sống.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và triển khai Đề án 407, đặc biệt là giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách trong thời gian tới, để làm sao chính sách sau khi được ban hành phải thực sự của nhân dân, mang tính thực tiễn, tính khả thi, bền vững”, ông Lê Vệ Quốc đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica