Thời sự trong nước

Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội dự kiến diễn ra 22 ngày, đề xuất chia làm 2 đợt

14:55 10/04/2023 GMT+7
Quốc hội Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc Kỳ họp thứ 5 vào ngày 22/5, bế mạc vào ngày 20/6/2023. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tổ chức kỳ họp thành 2 đợt đảm bảo chất lượng tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 22 về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp dự kiến diễn ra theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội.

Về dự kiến nội dung kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 nội dung. Cụ thể là trình Quốc hội cho ý kiến các dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ.

Các dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước; Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc của các luật để đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp; Nghị quyết về thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

”Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến các dự án: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ sang kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Do đó, đề nghị chưa bổ sung vào chương trình” – ông Bùi Văn Cường cho biết.

Liên quan nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực UBQPAN đã chủ động làm việc với các bộ có liên quan và thống nhất đề nghị UBTVQH xem xét, cho điều chỉnh tiến độ đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lùi 2 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8).

Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì giữ như đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc điều chỉnh thời gian trình 3 dự án luật trên thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, sau khi Quốc hội quyết định và cơ quan chủ trì thẩm tra có báo cáo thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét để đảm bảo quy trình chặt chẽ.

Nhiều ý kiến bày tỏ thống nhất họp tập trung nhưng đề xuất tổ chức thành 2 đợt, dành 1 tuần giữa hai đợt để các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo chất lượng dự án luật, nghị quyết.

Liên quan dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh đây là dự án rất quan trọng, do đó cân nhắc việc có nên có cả họp tổ và họp hội trường hay dành toàn bộ thời gian họp trên hội trường, tường thuật trực tiếp để cử tri theo dõi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Nguyễn Đức Hải ủng hộ việc bố trí thảo luận tổ một buổi và thảo luận trên hội trường 1 ngày về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có nhiều ý kiến được phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những nội dung nào được chuẩn bị kỹ, đủ chín, đủ rõ và nhận được sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình; đồng thời tinh thần phải đảm bảo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Vương Đình Huệ cũng đồng tình với ý kiến tổ chức kỳ họp thành 2 đợt để có 1 tuần chuẩn bị các nội dung tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng hơn. Trong đó ưu tiên bố trí vào đợt 1 những dự án luật, nghị quyết xem xét thông qua tại kỳ họp này./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác