Lao tiềm ẩn: Chẩn đoán và cách điều trị
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính một phần ba dân số giới nhiễm lao tiềm ẩn. Ước tính 7,5 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi bị nhiễm lao mới mỗi năm. Tổng cộng có khoảng 67 triệu trẻ em bị nhiễm lao. Các nhóm có nguy cơ cao như người nhiễm HIV, bệnh nhân và trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với người bệnh và các nhóm có nguy cơ trung bình như trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 - 18 tuổi và bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối hoặc đái tháo đường có thể dễ dàng tiến triển thành lao hoạt động nếu tiếp xúc với người bị lao.
Các nhóm đối tượng nguy cơ cần quản lý lao tiểm ẩn
Những người có nguy cơ mắc lao cao bao gồm trong 2 nhóm chính sau:
1. Những người tiếp xúc gần, tiếp xúc thường xuyên với các bệnh nhân lao phổi có nguy cơ lây nhiễm lao và phát triển bệnh lao.
2. Những người có tình trạng lâm sàng hoặc các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển từ nhiễm lao thành bệnh lao (HIV, đái tháo đường, suy thận mạn, suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ghép tạng, dùng thuốc sinh học…)
Chẩn đoán lao tiềm ẩn
Chẩn đoán lao tiềm ẩn dựa trên 2 yếu tố: (1) xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA dương tính, (2) loại trừ được mắc lao hoạt động qua khám lâm sàng, XQ phổi, xét nghiệm đờm hoặc dấu hiệu bất thường ở các cơ quan ngoài phổi nghi lao. Chỉ điều trị lao tiềm ẩn khi đủ 2 yếu tố để tránh việc điều trị không đầy đủ dẫn tới kháng thuốc.
Điều trị lao tiềm ẩn
Dưới đây là các phác đồ điều trị lao tiềm ẩn được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới và dự kiến sẽ được triển khai tại Việt Nam:
1. Phác đồ 6H
Điều trị hàng ngày bằng Isoniazid trong thời gian 6 tháng, áp dụng cho người lớn và trẻ em nhiễm lao tiềm ẩn.
2. Phác đồ 3RH
Điều trị hàng ngày bằng Isoniazid và Rifampicin trong thời gian 3 tháng, áp dụng cho người lớn và trẻ em nhiễm lao tiềm ẩn.
3. Phác đồ 3HP
Điều trị hàng tuần bằng Isoniazid và Rifapentin trong thời gian 12 tuần (12 liều), áp dụng cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên nhiễm lao tiềm ẩn.
4. Phác đồ 1HP
Điều trị hàng ngày bằng Isoniazid và Rifapentin trong thời gian 1 tháng (28 liều), áp dụng cho người lớn và trẻ em trên 13 tuổi nhiễm lao tiềm ẩn. Khuyến cáo sử dụng phác đồ này trong một số trường hợp đặc biệt cần kết thúc điều trị lao tiềm ẩn trong thời gian ngắn (ví dụ: người nhiễm HIV trong các trại tạm giam, người chuẩn bị ghép tạng v.v.).
5. Phác đồ 4R
Điều trị hàng ngày bằng Rifampicin trong thời gian 4 tháng, áp dụng cho người lớn và trẻ em nhiễm lao tiềm ẩn.
6. Phác đồ 6L
Điều trị hằng ngày bằng Levofloxacin trong thời gian 06 tháng cho người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao kháng đa thuốc có nguy cơ cao nhiễm và mắc bệnh lao.
- Bộ Y tế phản bác thông tin sử dụng thực phẩm bổ sung I-ốt gây cường giáp
- Y, bác sỹ của hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu cấp cứu kịp thời nhiều bệnh nhân nguy kịch
- Bỏ giấy chuyển tuyến có nguy cơ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở
- Người tham gia BHYT được thanh toán tiền nếu bệnh viện bị thiếu thuốc, thiết bị y tế