Nấm bệnh gây hại cho cây thanh long tại Tam Quang
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, nấm bệnh gây hại thanh long tại xã Tam Quang có tên khoa học là bệnh thán thư, mầm bệnh này phát triển nhanh trong điều kiện nắng ấm đặc thù ở xứ Nghệ.
Theo tìm hiểu, loại nấm này thường tấn công mạnh nhất ở các chồi non trên thân cây thanh long, gây xì mủ và xuất hiện các đốm thối giống như hoa trên da tắc kè. Khi gặp nước mưa, nấm nhanh chóng lan xuống các nhánh cây khác.
Xã Tam Quang, từng được biết đến như một điểm sáng trong việc phát triển mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ với hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, hơn 80 hộ dân tập trung tại làng Bãi Sở, bản Sơn Hà...với thu nhập bình quân từ 110-120 triệu đồng/ha. Thanh long ở xã Tam Quang được thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị ngon ngọt, chất lượng đảm bảo.
Tuy nhiên, cuối năm 2022 xuất hiện nấm bệnh gây nguy hại đến cây thanh long. Theo người dân chia sẻ, loại bệnh này có tốc độ lây lan rất nhanh, biểu hiện bằng các đốm đen trên thân và cành cây, sau đó lan ra khắp các bộ phận khác của cây, thối dần rụng còn mỗi cuống.
Qua trao đổi, bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Xã đang đối mặt với khó khăn do nấm bệnh trên cây thanh long. Lúc đầu, bệnh không ảnh hưởng nhiều đến quả, vẫn có thể thu hoạch bình thường. Tuy nhiên, dần dần chất lượng quả bắt đầu giảm dần, bệnh lây lan từ thân cây sang quả. Trước tình hình đó, chính quyền đã chỉ đạo tiêu hủy các cây bị nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở làng Bãi Sở cho hay: Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, ông đã nhận được cây giống và thuê người đào hố để trồng trên diện tích 5 sào. Vụ đầu, cây phát triển tốt và đã cho thu hoạch, gia đình ông vui mừng vì cây thanh long cho quả to, đẹp. Nếu tiếp tục phát triển, vụ mùa tới sẽ đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế. Thế nhưng chỉ được ít năm sau đó, loại bệnh này phát triển khiến gia đình phải chặt bỏ 260 trụ thanh long.
Cùng nằm trong tình thế tiến thoái lưỡng nan như ông Hùng, gia đình ông Hồ Viết Minh ở làng Bãi Sở khi mới khởi đầu trồng thử nghiệm 140 trụ trên diện tích đất 3 sào. Những năm đầu, cây phát triển rất tốt, quả đẹp và chất lượng đảm bảo. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 5 tạ, được các thương lái thu mua với giá giao động từ 25-35 ngàn đồng/kg tuỳ thuộc vào mỗi loại quả. Nhận thấy hiệu quả, năm 2018 gia đình đã nhân rộng mô hình trồng lên 300 trụ.
Nhưng đến cuối năm 2022, cây bắt đầu xuất hiện mầm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của cây. Dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan từ vườn này sang vườn khác, cây bị bệnh nấm xuất hiện các đốm đen, lan rộng và thối cành, quả, gia đình đã cố gắng mua thuốc đi hỏi nhiều nơi nhưng vẫn không xử lý được. Đến cuối năm 2023 buộc phải chặt bỏ toàn bộ diện tích bị bệnh. Dù đã cố gắng trồng lại, nhưng bệnh vẫn tái phát.
Từng là loại cây đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, người trồng mang theo bao hoài bão về một cuộc sống đổi mới nhờ loại quả có màu sắc bắt mắt, ngọt, ngon này thì nay người trồng không còn hứng thú như trước. Sau khi trồng lại, nhiều hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng cây tiếp tục bị bệnh, dẫn đến việc bỏ bê chăm sóc, để cây cỏ mọc um tùm…
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica