Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên:
Nâng cao nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Chè Thái Nguyên”
Dự hội nghị có ông Ngô Thế Hoàn - Uỷ viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên; ông Hoàng Đức Vỹ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên; Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên; Hội Chè Thái Nguyên, Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; Viện nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên và đại diện lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố trên địa bàn; Hội Nông dân các huyện, thành phố; một số Hợp tác xã chè đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 8/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên được giao là chủ sở hữu. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được đăng ký bảo hộ thành công tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh... đã được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị và thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường với các sản phẩm chè Thái Nguyên. Năm 2021, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tiếp tục được công nhận tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Như vậy, đến thời điểm này, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên.
Hiện nay tỉnh Thái Nguyên hiện có diện tích 22.200ha trồng chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha; năm 2023, năng suất chè bình quân đạt 126,99 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 267.500 tấn (tương đương 53.500 tấn chè búp khô), giá trị sản phẩm trà đạt 12.300 tỷ đồng.
Theo thống kê hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có 194 công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Nhằm nâng cao uy tín thương hiệu chè Thái Nguyên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chè chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ… Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, gồm các nội dung: Đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Cùng với đó các đại biểu cũng đã thảo luận nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”; tăng cường giám sát, quản lý và xử lý vi phạm khi sử dụng nhãn hiệu; Tham gia góp ý vào dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã góp phần khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế “Đệ nhất danh trà” của chè Thái Nguyên.
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng thị trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược
- Thanh Hoá: Tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm cho cán bộ, hội viên nông dân
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam