Nông thôn mới

Thái Nguyên nâng tầm nông sản bằng thương hiệu OCOP

Hoàng Tính - 07:14 22/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Thái Nguyên thời gian qua đã góp phần tạo ra những lợi thế lớn để ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên phát triển, nhiều sản phẩm OCOP đã được nâng cao chất lượng, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với việc tạo thêm nhiều sản phẩm để đạt chứng nhận OCOP, nhiều chủ thể cũng đã chủ động giữ vững và nâng hạng các sản phẩm OCOP đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Giữ vững thương hiệu OCOP

Thời gian qua, cùng với chính quyền và các ngành chức năng địa phương, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã tập trung hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp để tham gia Chương trình OCOP, bằng những giải pháp cụ thể: Định hướng tư vấn sản phẩm, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên thường xuyên phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ các chủ thể tiêu thụ sản phẩm OCOP

Từ các hoạt động hỗ trợ đó đã có nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng tốt những tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Theo các chủ thể OCOP tỉnh Thái Nguyên, sau khi nhận được chứng nhận về sản phẩm đạt chất lượng OCOP, các sản phẩm đã đều có sự phát triển tốt cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm OCOP Thái Nguyên không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu ra thế giới.

Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: HTX Chè Hảo Đạt có 3 sản phẩm gồm chè Đinh, chè Tôm Nõn, chè Móc Câu. Sản phẩm chè Tôm Nõn Đạt chứng nhận OCOP 5 sao, sản phẩm chè Đinh và chè Móc Câu đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Với mục tiêu đưa chè Tân Cương vươn tầm quốc tế, HTX Chè Hảo Đạt đã luôn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hai sản phẩm Chè Đinh và chè Móc Câu, 2 sản phẩm này đang được hướng đến đạt chứng nhận từ OCOP 4 sao tiến lên OCOP 5 sao.

Từ khi nhận được chứng nhận là sản phẩm OCOP, HTX Chè Hảo Đạt đã thuận lợi hơn rất nhiều trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế. Các thị trường mục tiêu được hướng đến là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc…

“Mỗi năm HTX Chè Hảo Đạt lại luôn nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt là ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức các buổi tập huấn nhằm cập nhật các kiến thức mới cho các xã viên tại HTX về các kỹ thuật trồng chè, chăm sóc chè, giúp nâng cao năng suất và chất lượng chè… HTX Chè Hảo Đạt tin tưởng sẽ nâng tầm chất lượng sản phẩm chè OCOP và chinh phục thị trường quốc tế, đưa thương hiệu chè Tân Cương đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn thế giới” bà Hảo cho hay.

Vừa được thưởng thức chè OCOP chất lượng, du khách còn được các chủ thể OCOP chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển sản phẩm OCOP

Cũng giống như các sản phẩm OCOP trà ở HTX Chè Hảo Đạt, sản phẩm miến dong của HTX Miến Việt Cường (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cũng ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới.

Ông Nguyễn Văn Ba - Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho hay: Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng địa phương, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, HTX chúng tôi đã xây dựng được 4 sản phẩm OCOP trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao và 3 sản phẩm OCOP 4 sao.

Từ khi xây dựng được sản phẩm OCOP chất lượng, miến Việt Cường đã ngày càng giữ vững thương hiệu của mình, đặc biệt là đầu ra liên tục được mở rộng, chính vì vậy doanh thu năm sau luôn cao hơn năm. Năm 2023, doanh thu của HTX Miến Việt Cường đã đạt gần 16 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2022.

Hiện nay HTX Miến Việt Cường đang giải quyết việc làm cho 30 lao động, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng; trung bình mỗi tháng HTX đưa ra thị trường 50 tấn sản phẩm trong đó xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: châu Âu, Đài Loan… khoảng 20%.

Tiếp tục đồng hành cùng các chủ thể OCOP

Có thể thấy rằng từ khi đạt được chứng nhận OCOP, các sản phẩm nông sản của Thái Nguyên (chè của HTX Chè Hảo Đạt, miến của HTX Miến Việt Cường…) đã ngày càng khẳng định được vị thế trong và ngoài nước. Chính vì vậy quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể.

Các sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã ngày càng có được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước

Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, các chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.

Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho hay: Để sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên phát triển, nhất là sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã luôn đồng hành, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến của các chủ thể (từ những đơn vị chưa có sản phẩm OCOP đến những đơn vị đang có sản phẩm OCOP) từ đó sẽ có những phương án cụ thể để giúp đỡ cho các chủ thể và sản phẩm phát triển tốt nhất. Không chỉ góp phần giúp chủ thể và sản phẩm đạt chứng nhận OCOP mà mỗi sản phẩm OCOP còn phải luôn là niềm tự hào của tỉnh Thái Nguyên.

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ các chủ thể OCOP bán hàng trực tuyến

Trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên, ngành Nông nghiệp tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp, HTX, người dân nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được phân hạng. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm; nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đồng thời tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP của tỉnh hội nhập quốc tế.

Việc giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Do vậy, các địa phương cần tăng cường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở, các chủ thể để giữ vững chất lượng sản phẩm OCOP đã được gắn sao.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác