Thông tin từ cơ sở

Nông dân Nghệ An liên kết nuôi ong lấy mật theo chuỗi

Bùi Ánh - 13:00 26/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn, tập trung chủ yếu ở 11 huyện, thị xã miền núi. Nuôi ong trên địa bàn cũng đã trở thành nghề truyền thống. Đây chính là lợi thế cần nghiên cứu nhằm tạo mạng lưới có tính liên kết hướng đến phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.478 hộ nuôi ong, với tổng đàn ong hơn 63.800 đàn, tổng sản lượng mỗi năm hơn 700 nghìn lít mật.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới, Học viện nông nghiệp Việt Nam truyền đạt kiến thức về kỹ thuật nuôi ong mật hiệu quả.

Nhận rõ nguồn tài nguyên quý đó, ngày 25/11, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật và trưng bày giới thiệu sản phẩm mật ong. Tham dự lớp tập huấn có gần 150 học viên là giám đốc các hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác, chi hội trưởng, chi hội phó chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ trưởng, tổ phó tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi ong ở 10 huyện, thị gồm: Quỳ Hợp, TX.Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu và Yên Thành.

Hướng đến tạo vùng liên kết mang đến sinh kế bền vững cho nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Nghệ An có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông – lâm nghiệp, hiện có hơn 1 triệu hecta rừng, với tỷ lệ độ che phủ cao nhất cả nước. Hơn nữa, diện tích canh tác nông nghiệp lớn, nhất là diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ngắn ngày… Đây là nguồn hoa, phấn hoa dồi dào, phong phú - tài nguyên thức ăn có sẵn trong tự nhiên lớn để phát triển nuôi ong. Bên cạnh đó, địa hình, khí hậu miền núi trung du vùng miền Tây Nghệ An cũng là một lợi thế. Đặc biệt, nghề nuôi ong lấy mật ở những cánh rừng sẽ trở thành một trong những sản vật đặc trưng bởi ong được nuôi ở đây sống, xây tổ và làm mật tự nhiên nên có mùi thơm hoàn toàn khác biệt.

Trong những năm gần đây, ở Nghệ An đàn ong đang phát triển khá nhanh cả về số lượng đàn, năng suất và sản lượng mật. Địa bàn nuôi có ở hầu hết 11 huyện, thị xã miền núi; trong đó, tập trung ở một số địa phương như Thái Hoà, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông…

Người dân có truyền thống nuôi ong sẽ là lợi thế để tạo nên chuỗi liên kết. Ảnh: MC

Lớp tập huấn nhằm hỗ trợ người nuôi ong tiếp cận với kỹ thuật nuôi ong tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng mật; Cách thức tổ chức, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ các sản phẩm ngành ong từ chủ doanh nghiệp.

Dịp này, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng tổ chức gian hàng trưng bày các sản phẩm từ mật ong. Qua đó, các chuyên gia đánh giá chất lượng sản phẩm mật; chia sẻ kinh nghiệm khai thác mật, bảo quản mật và kết nối, tìm kiếm đầu ra cho mật ong.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác