Nghiên cứu nhiều biện pháp mới chặn tẩu tán tài sản tham nhũng
Tài sản tham nhũng phải được thu hồi
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết điều này trong báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, cũng như siết chặt kê khai tài sản, thu nhập.
Khẳng định Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã tập trung, chủ động kiểm tra, xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song Tổng Thanh Tra Chính phủ thẳng thắn thừa nhận, việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của nước ta hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định, bán đấu giá tài sản trong thi hành án.
Ngoài ra có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiện mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.
“Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế thu hồi tản sản không qua thủ tục kết tội phù hợp với thực tiễn Việt Nam; chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, NHNN Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, thực tiễn các nội dung liên quan để đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh…” – ông Đoàn Hồng Phong cho biết.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản
Trước kiến nghị cho rằng một cơ quan chỉ làm nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức sẽ giúp việc thực hiện cơ chế, chính sách hiệu quả hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đang được thực hiện theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập và quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành theo Quyết định số 56/2022 của Bộ Chính trị.
So với trước đây, cơ chế và biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập. Một số điểm mới quan trọng được áp dụng, nhất là việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai.
Năm 2022, Thủ tướng phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành kế hoạch, triển khai việc xác minh. Kết quả bước đầu, 7.662 người được xác minh, qua đó phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định; đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Cùng năm, các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện việc kê khai cũng như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
“Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, hiện Thanh tra Chính phủ đang tổ chức thực hiện” – ông Đoàn Hồng Phong cho biết.
Do vậy, với kiến nghị nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này sẽ được thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trước mắt, mô hình các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quyết định số 56/2022 của Bộ Chính trị.
Đề cập kiến nghị cụ thể hóa quy trình, phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020 đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp báo cáo và xem xét kiến nghị của bộ, ngành, địa phương trong kiểm soát tài sản, thu nhập, lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Trường hợp đủ điều kiện, cơ quan này sẽ ban hành thông tư quy định chi tiết./.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica