“Người gìn giữ tương lai xanh” biến rác thành “của cải” cùng bảo vệ môi trường
Chiều 21/3, tại huyện Nam Đàn, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Dự án với sự tham gia của 11 xã của 3 đơn vị cấp huyện, gồm: Đô Lương, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa.
Mục tiêu thực hiện Dự án nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hội viên nông dân.
Dự án đã đào tạo 30 giảng viên nguồn và vận động 540 hội viên nông dân - những “Người gìn giữ tương lai xanh” áp dụng, thực hiện các kỹ thuật của Dự án gồm: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; nuôi sâu canxi; nuôi trùn quế.
Trên địa bàn huyện Nam Đàn có 10 giảng viên nguồn (TOT) là cán bộ Hội Nông dân huyện, xã được tham gia lớp đào tạo của dự án. Huyện tổ chức được 11 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 330 học viên, thành lập được 4 nhóm gìn giữ tương lai xanh với 180 thành viên tham gia, xây dựng và nhân rộng hơn 200 mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải trên địa bàn.
“Người gìn giữ tương lai xanh” với mong muốn truyền tải tới mọi người thông điệp “cùng nhau xử lý rác thải hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai”, “Biến rác thải thành của cải” từ đó góp phần thúc đẩy, thay đổi hành vi xử lý rác thải hiệu quả của những người dân trên địa bàn.
Từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu và thực tiễn các hộ dân đã áp dụng và chứng minh rằng các kỹ thuật xứ lý rác thải hữu cơ theo hướng thân thiện với môi trường này đạt được tiêu chuẩn 5 nhất, đó là: “Dễ thực hiện nhất – rẻ nhất – sinh lợi nhiều nhất – lành mạnh nhất và khỏe nhất”.
Tại Hội nghị, các hội viên nông dân huyện Nam Đàn được tham quan mô hình xử lý rác thải tại một số gia đình; giới thiệu tổng quan về Dự án; các kỹ thuật xử lý rác thải (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng; xử lý gốc rạ tại ruộng; nuôi sâu can xi, nuôi giun quế).
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An mong muốn các đồng chí giảng viên nguồn, hội viên nông dân đã tham gia dự án trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường và chúng tôi cũng rất mong được nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị để Dự án đạt kết quả cao hơn, lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn đến các hộ hội viên nông dân trên địa bàn xã. Đồng thời, những nỗ lực của mỗi cá nhân, đóng góp một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng thị trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược
- Thanh Hoá: Tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm cho cán bộ, hội viên nông dân
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam