Nhà báo cần là người tiên phong làm chủ công nghệ số
Để làm rõ hơn về góc nhìn của Hội Nông dân Việt Nam về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
Thưa ông, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tác động như thế nào đến cán bộ, hội viên nông dân?
Ông Nguyễn Hồng Sơn -Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Từ thực tiễn và qua nghiên cứu khảo sát cho thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều mặt tác động đến cán bộ, hội viên nông dân cụ thể như:
- Chuyển đổi số góp phần hình thành tư duy mới, hành động mới, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỗi cán bộ, hội viên nông dân, nhất là người đứng đầu, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Xuất phát điểm, vốn tự có về công nghệ số trong mỗi cán bộ, hội viên, nông dân nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong khi đó, tốc độ phát triển nhanh chóng của tri thức, công nghệ số cùng với những giá trị to lớn do ứng dụng công nghệ số tạo ra, đã tạo nên sức ép cho người cán bộ quản lý, người lao động phải không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo trước nguy cơ dễ bị đào thải. Vì vậy, đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ Hội Nông dân các cấp nói riêng cần phải tích cực học hỏi, sử dụng thành thạo công nghệ số để làm chủ công nghệ số trên các lĩnh vực đời sống, xã hội số hiện nay;
- Chuyển đổi số giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu: Nông nghiệp Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, có thể kể đến: Bão lũ, dịch bệnh, lưu lượng nước ngọt giảm không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm diện tích đất… Hệ quả là làm giảm năng suất, giảm chất lượng sản phẩm và thậm chí thất thu trong nông nghiệp. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào phân tích và quản lý toàn bộ vùng khí hậu sẽ giúp cảnh báo sớm những rủi ro cho người nông dân, từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại ở mức tối đa trong sản xuất nông nghiệp.
- Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp nhanh với người tiêu dùng: Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Điều này đã được chứng minh thực tế trong thời gian dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương đã xúc tiến mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử. Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép người nông dân số và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý.
- Nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm: Một vài vùng nông thôn hiện đã áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên đồng ruộng bằng phương pháp điều khiển từ xa. Thực tế, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
- Tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp: Các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp: như Big Data, công nghệ sinh học sẽ giúp chúng ta dễ dàng phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó giúp người nông dân có những quyết định đúng đắn hơn về lượng phân bón, thời gian canh tác, lựa chọn cây trồng... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm của những phóng viên, người làm báo của Hội trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay?
Nền Báo chí cách mạng Việt Nam đòi hỏi người làm báo phải vừa “hồng” vừa “chuyên”. Cái “chuyên” của người làm báo ở đây là phải giỏi chuyên môn, chuyên nghiệp làm báo trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội. Mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, nhà báo giỏi luôn thể được những vai trò, trách nhiệm phù hợp, đáp ứng kịp thời sự phát triển xã hội giai đoạn đó.
Ảnh minh họa.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một xu hướng tất yếu và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nhằm góp phần thực hiện nhanh, hiệu quả vấn đề này có vai trò của đội ngũ những người làm báo, nhất là đối với đội ngũ phóng viên báo chí liên quan trực tiếp công tác tuyên truyền trong lĩnh vực Tam nông. Vai trò, trách nhiệm của họ được thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, người làm báo đóng vai trò chủ thể trong công tác tuyên truyền về vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển tam nông.
Chúng ta có có đông đảo đội ngũ phóng viên báo chí cách mạng, chuyên nghiệp trên các lĩnh vực, họ đã làm tốt, hiệu quả việc tuyên truyền sâu rộng giúp toàn dân hiểu rõ, làm theo thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, nhất là những chủ trương, chính sách phù hợp, thiết thực với người dân như xây dựng nông thôn mới hiện nay; nếu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được tuyên truyền làm rõ được vai trò, lợi ích của nó trong toàn dân một cách sâu, rộng thì chắc chắn kết quả đạt được của chương trình sẽ có sự chuyển biến nhanh và hiệu quả rõ rệt.
Nông dân vẫn là lực lượng đông nhất, lực lượng chính, quan trọng quyết định sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh, họ cũng là đối tượng trung tâm của chuyển đổi số hiện nay, quyết định thành công việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hơn bao giờ hết họ phải hiểu rõ được vị trí, vai trò hết sức quan trọng của chuyển đổi số giai đoạn hiện nay và để làm tốt được việc này là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong đó có vai trò quan trọng của người làm báo, báo chí tuyên truyền.
Thứ hai, vai trò chủ thể đầu vào, đầu ra kiến thức chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số.
Người làm báo, báo chí hiện nay là kênh truyền thông đa phương tiện có vai trò rất quan trọng và hiệu quả về tuyên truyền trong xã hội. Các nội dung được báo chí đăng tải tuyên truyền, nhất là những nội dung mới, hay, thiết thực trên báo, tạp chí giấy và điện tử vẫn là những nội dung quý, tin tưởng, hấp dẫn lôi cuốn người đọc.
Thực tế và nghiên cứu cho thấy, những nông dân cần cù lao động, đổi mới sáng tạo, sản xuất, kinh doanh giỏi, rất thích và thường xuyên xem ti vi, đọc báo, tạp chí, họ thường lưu giữ những thông tin, bài báo hay để nghiên cứu, học và làm theo.
Người làm báo giỏi, chuyên nghiệp, “tâm sáng, bút sắc” luôn có tư duy theo dõi, cập nhật (đầu vào) và thông tin (đầu ra) những vấn đề mới, những cái hay, cái đẹp của xã hội. Chuyển đổi số đang là “kho” thông tin, kiến thức dành cho người làm báo khai thác, khai sáng. Những kiến thức, cách làm hay về chuyển đổi số, những mô hình kinh tế ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả được đăng tải trên các ấn phẩm báo chí đã và đang góp phần hiệu quả nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số đối với người nông dân.
Thứ ba, là chủ thể đánh giá khách quan, giám sát, phản biện xã hội về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chúng ta biết, báo chí có vai trò thông tin, nắm bắt, điều tra dư luận xã hội, là công cụ hiệu quả trong đánh giá, thông tin giám sát, phản biện các vấn đề xã hội. Chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang là 1 trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số. Việc thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn hiện nay đang được Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, các cấp, các ngành tích cực triển khai, người dân đang “đón chờ” sự hỗ trợ, giúp đỡ để chuyển đổi số. Trên thực tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tam nông vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó có hạ tầng chuyển đổi số, trình độ... Vì vậy, để góp phần giải quyết những nội dung trên rất cần sự vào cuộc đông đảo, tích cực của lực lượng những người làm báo.
Vậy báo chí của Hội NDVN nên làm gì để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực “Tam nông”, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” - Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959; “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung” - Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949.
Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tân Trào) ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cây giống. Ảnh minh họa
Để góp phần thực hiện mục đích chung thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực “Tam nông”: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Hội Nông dân Việt Nam, người làm báo, cơ quan báo chí của Hội cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng người người làm báo trong thời đại Công nghiệp 4.0, thời đại xã hội số: Sản phẩm của các nhà báo luôn có tính định hướng dư luận, tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội về nhận thức, tư tưởng và đạo đức. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế - khoa học kỹ thuật, cũng có nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến thông tin “đầu vào”, “đầu ra” của người làm báo. Vì vậy, ngoài những yếu tố về năng lực nghiệp vụ, đòi hỏi người làm báo phải tiếp tục gìn giữ, nâng cao đạo đức, có bản lĩnh vững vàng, có lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng.
Gìn giữ, nâng cao đạo đức người làm báo hiện nay trước mắt và hơn bao giờ hết cần thực hiện nghiêm túc “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”; phải chuẩn mực, trách nhiệm, trong sáng khi tham gia mạng xã hội.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các phương tiện, ấn phẩm báo chí thông qua các bài viết, chuyên đề, phóng sự...; tích cực đăng tải các gương điển hình, các mô hình kinh tế thành công về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần nâng cao nhận thức các địa phương, doanh nghiệp, nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Đây là yếu tố tiên quyết trong chuyển đổi số, chỉ khi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thực hiện công nghệ số trong nông nghiệp thì các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân mới tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Ba là, thường xuyên cập nhật, đăng tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp và đưa thông tin về các chính sách này đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Báo chí tích cực nghiên cứu, phân tích, thông tin dự báo các xu hướng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực “Tam nông”, những thông tin này sẽ giúp các nông dân hiểu rõ về những công nghệ mới, từ đó áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của mình. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp như: Giới thiệu các ứng dụng, thiết bị, giải pháp để nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất; theo dõi và đưa tin về các dự án, chương trình hỗ trợ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới được triển khai trong lĩnh vực “Tam nông” để đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và hữu ích cho nông dân, các tổ chức liên quan và công chúng. Điều này sẽ giúp nông dân tiếp cận với các công nghệ tiên tiến một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Bốn là, báo chí tích cực tham gia tuyên truyền hướng dẫn xây dựng mạng lưới liên kết giữa các nông dân với các chuyên gia công nghệ thông tin để tăng cường sự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về chuyển đổi số, ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp; tích cực tham gia tổ chức và đưa tin, bài về các cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm và sự kiện với các chủ đề liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, các giải pháp và các ứng dụng của chúng tới đông đảo bạn đọc nhà nông, nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn về các giải pháp công nghệ số cũng như giúp cho các chuyên gia hiểu rõ hơn về nhu cầu, thực tiễn của nông dân hiện nay.
Năm là, sử dụng triệt để các phương tiện truyền thông truyền thống như báo, tạp chí giấy, đài phát thanh, truyền hình, báo chí truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng để đưa ra các thông tin cập nhật về các sản phẩm công nghệ mới, các giải pháp và các ứng dụng của chúng. Sử dụng thành thạo, chuẩn mực, trong sáng các nền tảng truyền thông trực tuyến như website, Facebook, Youtube... chính thống để đăng tải các bài viết, video về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica