Xã hội

Phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội

13:30 07/01/2024 GMT+7
Chỉ đạo về phát triển văn hóa, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”

Thực tế cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Múa rối nước là một đặc sản của văn hóa Việt, được sinh ra và lớn lên từ môi trường nước và đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo tài tình của những người nghệ sỹ-nông dân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Múa rối nước là một đặc sản của văn hóa Việt, được sinh ra và lớn lên từ môi trường nước và đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo tài tình của những người nghệ sỹ-nông dân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Chỉ đạo về vấn đề phát triển văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”

Thời cơ lớn phát huy “Văn hóa sáng tạo”

Với định hướng đó, Thạc sỹ Phạm Văn Luân, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những bước đi đột phá để gia tăng hàm lượng khoa học, phát huy “Văn hóa sáng tạo” của người dân, biến khát vọng phát triển một Việt Nam hùng mạnh thành hiện thực. Đây cũng chính là thời cơ lớn để phát huy “Văn hóa sáng tạo” trong kỷ nguyên số, biến khoa học công nghệ và văn hóa thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng đến xây dựng văn hoá phát triển đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, Thạc sỹ Phạm Văn Luân đề xuất cần xây dựng và hoàn thiện chính quyền kiến tạo ở các cấp, có tầm nhìn xa, coi trọng giáo dục và nhận thức được sức mạnh của sáng tạo và “Văn hóa sáng tạo,” thực hành “Văn hóa sáng tạo” trong vận hành bộ máy hành chính, quản trị xã hội.

Đồng thời, các đơn vị cần sớm ban hành các cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù phát triển kinh tế song hành với văn hóa qua kênh công nghiệp văn hóa; để từ đó đẩy mạnh sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam - nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, người dân khéo tay cần cù, sáng tạo với dấu ấn khác biệt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần xác định thế mạnh của từng địa phương để quan tâm đầu tư một cách có hệ thống, tạo được mạng lưới các địa phương đi tiên phong trên hành trình phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam với 13 lĩnh vực như du lịch văn hóa, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, truyền hình và phát thanh, xuất bản, quảng cáo và truyền thông, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, kiến trúc, thủ công và thời trang.

ttxvn-van-hoa-8157.jpg
Phần nghi lễ tại Lễ hội Tây Thiên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) 

Theo Thạc sỹ Phạm Văn Luân, công nghiệp văn hóa không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ người dân tận dụng cơ sở hạ tầng thông tin của kỷ nguyên số mà còn làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên sắc thái văn hóa Việt Nam.

Những giá trị di sản văn hóa đặc trưng cùng những mô hình sáng tạo khởi nghiệp mới sẽ xây dựng được một nền kinh tế-văn hóa có hàm lượng khoa học cao, nền kinh tế sáng tạo thích ứng với kỷ nguyên số, với những tiến bộ về hệ thống quản trị, công nghệ mới, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực…

Những giá trị này còn đem lại sự tự tin và phát huy “Văn hóa sáng tạo” trong kinh doanh, xây dựng văn minh đô thị, phát triển du lịch, canh tác nông nghiệp, phát triển nông thôn... thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hợp tác, là bạn bè, đối tác với tin cậy với nhiều quốc gia, văn hóa cần phải mở cửa bằng cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa thế giới. Câu chuyện phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là một minh chứng hùng hồn nhất cho cách tiếp cận các tinh hoa thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, vai trò của văn hóa là vô cùng quan trọng bởi có phát triển văn hóa, mới phát triển được con người, phát triển được những năng lực, bản chất của con người thông qua văn hóa, để cho những yếu kém bị đẩy lùi, những yếu tố tích cực được phát huy.

Bên cạnh đó, phát triển văn hóa chính là làm cho sức mạnh nội sinh càng mạnh mẽ hơn; đồng thời làm cho sức mạnh mềm nảy nở tốt, có hiệu quả hơn.

Mặt khác, nếu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa, sẽ dẫn đến những hệ luỵ như kinh tế không phát triển được, văn hóa sẽ suy thoái; mà văn hóa suy thoái dẫn đến xã hội bất an.

“Do đó, việc xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước,” Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nói.

Giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Về quan điểm này, Thạc sỹ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội là định hướng quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên thực tế, ngoài ngôn ngữ, sự khác biệt rất rõ giữa các quốc gia đó là về văn hóa, đó là điểm riêng biệt của một quốc gia. Thế hệ trẻ hôm nay là chủ nhân tương lai của đất nước. Việc giáo dục truyền thống văn hóa để thế hệ trẻ biết và gìn giữ truyền thống, nguồn cội của mình rất quan trọng. Văn hóa con người Việt Nam được thể hiện qua đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, đề ơn đáp nghĩa; thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ… Tất cả điều đó, muốn trao truyền và gìn giữ trong thế hệ trẻ ngày nay, phải dạy dỗ, giáo dục và đó là trách nhiệm lớn của nhà trường.

Cùng với xây dựng con người có đủ năng lực, trình độ, việc quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách con người, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng, Thạc sỹ Huỳnh Thanh Phú cho biết thêm.

Theo Thạc sỹ Huỳnh Thanh Phú, xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Công tác xây dựng văn hóa học đường có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, giáo viên có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử; bạo lực học đường có sự gia tăng và tính chất phức tạp hơn. Văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được xây dựng, gìn giữ và và không ngừng hoàn thiện. Đó là các giá trị chuẩn mực của người đứng đầu, của giáo viên và học sinh; tạo môi trường lành mạnh để các đối tượng trong môi trường học đường, nhất là học sinh phát triển một cách toàn diện.

Cùng với môi trường học đường, giáo dục một học sinh cần có sự tác động lớn từ môi trường gia đình và xã hội. Tuy vậy, Thạc sỹ Huỳnh Thanh Phú cho rằng hiện, còn những lỗ hổng trong giáo dục nhân cách học trò ở cả 3 môi trường này. Cái nôi đạo đức xuất phát từ gia đình, giá trị văn hóa gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi người. Nếu gia đình, cha mẹ không gương mẫu, không chuẩn mực, không có định hướng tốt sẽ đẩy cho nhà trường gánh nặng lớn trong việc giáo dục học sinh. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nên nhân cách con người.

Cộng hưởng các yếu tố đó sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng văn hóa con người, có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới phải là sự hòa hợp giữa giá trị truyền thống và hiện đại, để bên cạnh có được các giá trị truyền thống tốt đẹp, các bạn trẻ có điều kiện tốt nhất để hội nhập với thế giới./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác