Phòng chống nóng cho vật nuôi để giảm thiệt hại
1. Cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháo chống nóng kịp thời cho vật nuôi
Hàng ngày chú ý cập nhật thông tin đầy đủ về dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Khi có dự báo về mưa lớn, giông, bão lốc, sét cần làm ngay các biện pháp gia cố chuồng trại, chuẩn bị thức ăn nước uống. Trường hợp đang cho trâu bò đi chăn thả thấy có giông, lốc xoáy, cần khẩn trương đưa ngay trâu bò về nhà để tránh con vật bị nhiễm lạnh đột ngột và sét làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con vật.
Tốt nhất người chăn nuôi nghe bản tin vào buổi sáng sớm và trưa để đảm bảo bản tin gần và chính xác nhất để chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng cho con vật.
2. Về chuồng trại
Có hệ thống che chắn xung quanh chuồng làm các loại liếp bằng lá, tranh tre tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong những ngày nắng nóng thường có những trận mưa đột xuất, nhất là về đêm thì cần nhanh chóng che chắn để đảm bảo cho gia súc gia cầm không bị nhiễm lạnh đột ngột.
Tăng cường trồng các loại cây xanh xung quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát. Với chăn nuôi bò sữa bò thịt, khi thời tiết nắng nóng nên nhốt bò ra các khu vực có nhiều cây để tạo bóng mát cho con vật.
Chống nóng chuồng nuôi: nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc để làm giảm ẩm độ các khí CO2, NH3 ... trong chuồng nuôi. Không nên treo quạt trên trần nhà vì gió thổi từ mái chuồng xuống dưới gia súc là khí nóng, hiệu quả chống nóng thấp.
Với các trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo kiểu chuồng kín thường xuyên phải kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi tránh rơi vào trường hợp mất điện làm ảnh hưởng đến hệ thống làm mát trong chuồng nuôi, cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt thông gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Với các khu chăn nuôi gà thả vườn có số lượng lớn cần tạo các liếp che để gia cầm chủ động tìm đến bóng mát.
Làm bổ sung các hệ thống làm mát, nhất là đối với bò sữa cần có hệ thống dàn phun mưa, làm hệ thống phun mưa lên nóc chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to (vì đặc tính sinh học của bò sữa là rất sợ nóng).Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng. Phần mái có thể làm thêm hệ thống chống nóng bằng cách trồng một số loại dây leo phủ mái như dây bìm bìm, hoa giấy, giàn muớp...
3. Về thức ăn, nước uống
Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cao, cơ thể gia súc, gia cầm phải chống đỡ với những điều kiện bất lợi đó, thường bỏ ăn, uống nhiều nên cần thực hiện một số biện pháp sau:
Với trâu bò, tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin..., tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần. Đối với bò sữa 1 ngày nắng nóng bò có thể uống thêm tới 30 - 40 lít nước nên tốt nhất có hệ thống để bò uống nước tự do. Đảm bảo cho bò ăn đủ cỏ xanh, rơm (15 - 25kg/con/ngày) và bổ sung thêm thức ăn tinh (1 - 3kg/con/ngày). Bò sữa bổ sung cho bò ăn thức ăn xanh, cỏ ủ chua (3 - 5kg/con/ngày) là rất tốt. Có thể áp dụng việc bổ sung urê cho bò sữa nhằm mục đích bổ sung chất đạm vô cơ cho bò.
Với lợn và gia cầm đảm bảo lượng thức ăn tinh trong đó bổ sung các loại khoáng, vitamin, điển giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng, lưu ý không nên làm, tốt nhất nên lắp các thiết bị tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho bò uống.
Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, cần giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh để tránh nuôi quá béo. Những ngày nắng nóng cho uống Bcomlex, chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ 1% (10-15g muối/1 lít nước) để tăng sức đề kháng cho gia cầm. Cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vaccin theo chỉ đạo của chuyên ngành thú y để tăng khả năng miễn dịch. Riêng đối với gà giống hậu bị, giống nuôi công nghiệp trên lớp đệm lót: nên khống chế lượng nước uống của đàn gà (chỉ nên bằng 2 lần lượng thức ăn cho ăn trong ngày đó) để chống ẩm ướt nền nhà, đệm lót trong những ngày quá nóng.
4. Giảm mật độ nuôi
Trong mùa hè, đặc biệt những nắng nóng bằng mọi cách nên giảm mật độ nuôi, điều này rất quan trọng vì mật độ nuôi cao lượng khí độc tăng mạnh làm con vật có thể nhiễm bệnh ngay. Đặc biệt khi mật độ chuồng nuôi cao các bệnh về đường hô hấp và mức độ lây nhiễm rất nhanh hoặc có thể phát sinh ngay dịch bệnh nhất là đối với gia cầm và gia súc non.
Mật độ chuồng nuôi hợp lý: lợn nái, lợn có chửa cần 3- 4m2/con; lợn thịt 2m2/con; gà trống, gà đẻ nuôi nhốt từ 3-5 con/m2; gà con úm 50-60 con/m2, gà thịt 10-15 con/m2;
Số lượng máng ăn, máng uống trong mùa hè cũng cần được tăng cường thêm để đảm bảo cho gia súc gia cầm ăn uống đầy đủ.
5. Chế độ tắm, chải, vận động
Đối với bò, bò sữa, những ngày nắng nóng nên định kỳ tắm chải để giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da (dùng các loại dung dịch pha để diệt côn trùng, ruồi muỗi).
Lưu ý: Đối với bò sữa có chửa khi được làm mát tốt, bê con sinh ra sẽ nặng hơn (2 - 3 kg) so với không được làm mát. Việc làm mát tốt còn làm tăng sản lượng sữa, tăng khả năng thụ thai khi phối giống cho bò.
Trong những ngày nắng nóng với trâu bò vẫn phải đảm bảo việc chăn thả, vận động cho bò, bò sữa song nên thay đổi thời gian so với bình thường. Buổi sáng cho bò vận động, chăn thả trong khoảng thời gian sớm hơn bình thương (từ 6 - 9 giờ), buổi chiều từ 16 - 18 giờ, những ngày thời tiết quá nắng nóng có thể sớm hơn, muộn hơn 1 giờ để đảm bảo sức khỏe cho bò, bò sữa.
Hạn chế đến mức tối đa trong việc vận chuyển, chu chuyển đàn bò, bò sữa trong những ngày nắng nóng. Việc xuất nhập gia súc gia cầm cần lưu ý vận chuyển vào đêm, sáng sớm hoặc chiều mát, phương tiện vận chuyển cần có các vận dụng làm mát và chú ý mật độ vận chuyển cần thông thoáng.
6. Vệ sinh phòng bệnh
Trong những ngày nắng nóng là điều kiện để mầm bệnh phát sinh phát triển nhanh do vậy cần tăng cường vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Nền chuồng phải sạch, khô ráo, cống rãnh phải sạch, không đọng phân, nước. Định kỳ phun thuốc sát trùng để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. Một số loại thuốc sát trùng thông dụng như Vikol, Halamid, HanIod, Hantoc ….. lưu ý khi sử dụng nên định kỳ đổi thuốc để tránh trường hợp nhờn thuốc sát trùng đối với mầm bệnh.
Đảm bảo việc tiêm phòng định kỳ các loại vác xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y với bò cần chủ động tiêm các loại vác xin như lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng, nhiệt thán. Đối với lợn tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin như 04 bệnh đỏ, tai xanh, LMLM … với gia cầm tiêm các loại vacxin như newcatste, gum, cúm gia cầm, tụ huyết trùng …
Thường xuyên phát hiện sớm gia súc gia cầm ốm, nghi ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bênh lây lan bùng phát dịch bệnh. Cần quan tâm nhất là các bệnh đường ruột và tiêu hoá bằng cách chủ động cho gia súc gia súc gia cầm ăn, uống bổ sung các loại thuốc ở liều phòng bệnh.
7. Chế độ vệ sinh sau các đợt nắng nóng kéo dài
Sau những đợt nắng nóng kéo dài thường làm cho gia súc gia cầm mệt mỏi, tăng tỷ lệ bệnh tật vì vậy cần có kế hoạch tăng cường chất dinh dưỡng nhất là về vitamin, khoáng chất, cỏ xanh, tinh bột để nâng cao sức khỏe cho con vật.
Đối với chuồng trại, dụng cụ chuồng nuôi cần tiến hành tổng vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, dụng cụ, thay thế chất độn chuồng dùng trong đợt nắng nóng kéo dài.