Sáu tháng cuối năm: Nắng nóng còn xảy ra, đề phòng bão phức tạp
Trong điều kiện El Nino, khả năng nắng nóng vẫn còn kéo dài tới tháng Chín, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C và cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ.
Nắng, nóng kéo dài tới tháng Chín
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết căn cứ vào số liệu quan trắc nhiệt độ mặt nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía Đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino (từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) đã chính thức xuất hiện.
Dự báo hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục duy trì đến tháng 9/2023 với xác suất khoảng 80-90%.
Với xu thế trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo nắng nóng tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ nay đến tháng 8/2023, với số ngày nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Đến thời điểm tháng Chín năm 2023, dự báo nắng nóng vẫn còn có khả năng xảy ra ở Bắc và Trung Trung Bộ, nhưng cường độ không gay gắt.
"Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 7-9/2023, phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Bắc Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm," ông Lâm thông tin.
Từ tháng 10-11, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiệt độ được dự báo phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C; riêng tháng 12/2023, nhiệt độ cao hơn từ 1,0-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 10-11/2023, nhiệt độ cũng phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C; tháng 12, nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cần đề phòng xảy ra khô hạn cục bộ
Về xu thế mưa, tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 7-9/2023 dự báo phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%. Riêng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thời điểm tháng Tám, tổng lượng mưa dự báo sẽ cao hơn khoảng 5-10% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng Bảy và tháng Chín, phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm; riêng tháng Tám, tổng lượng mưa cao hơn khoảng 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa tháng Bảy và tháng Chín, phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm; riêng tháng Tám cao hơn khoảng 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết trong thời gian tới, tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà dự báo thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 10-20%.
Trên sông Gâm, tổng lượng dòng chảy thiếu hụt 20-30% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 10-30%; trên sông Chảy thiếu hụt 10-15% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 từ 20-30%.
"Thời kỳ này cần đề phòng xảy ra khô hạn cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh ven biển Trung Bộ," ông Lâm nói.
Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp
Về xu thế bão/áp thấp nhiệt đới, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023, dự báo có khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Theo ông Lâm, khả năng bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam sẽ gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển.
"Thời kỳ này cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ," ông Lâm nói.
Từ tháng 10-12/2023, cơ quan khí tượng dự báo số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng 3-5 cơn và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2023, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc có thể gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển.
Cùng với đó, hiện tượng mưa lớn, nắng nóng, dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên toàn quốc./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica