Tăng trưởng 21%, xuất khẩu gỗ dự kiến thu về 16 tỷ USD
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh với hai con số; riêng thị trường Nhật Bản chỉ tăng nhẹ. Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng trên 63%.
Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong nước đã không ngừng nỗ lực, chủ động trong sản xuất, cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Nắm cơ hội tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng khá như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%).
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, cùng với nhu cầu thị trường “ấm dần”, song song với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp ngành Gỗ cần chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.
“Không xây dựng được thị trường tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến và kết nối thị trường. Tổ chức các sự kiện hội chợ ngành Gỗ tạo cơ hội giao thương và để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng của thị trường quốc tế. Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm nay, xuất khẩu của ngành gỗ sẽ đạt gần 16 tỷ USD", ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Trước những thách thức đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại ngành chế biến gỗ, nhất là qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành.
Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.