Thi tốt nghiệp THPT: Các địa phương nỗ lực đảm bảo đủ điện, hỗ trợ thí sinh khó khăn
Tại tỉnh Bắc Giang, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm nay, toàn tỉnh có 21.081 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 17.642 thí sinh giáo dục THPT, 3.439 thí sinh giáo dục thường xuyên, 423 thí sinh tự do đăng ký tại 38 điểm thi trên địa bàn.
Để hỗ trợ cho các thí sinh một cách tối đa, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh và người nhà tham gia kỳ thi. Đối với các thí sinh ở xa điểm thi, các điểm thi đã bố trí chỗ nghỉ cho thí sinh và người nhà tại nhà công vụ và vận động nhà dân xung quanh điểm thi tạo điều kiện để thí sinh ở trong các ngày tổ chức kỳ thi.
Riêng đối với việc chuẩn bị đủ điện đáp ứng cho kỳ thi, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Giang để đảm bảo điện tối đa cho tất cả các điểm thi trên toàn địa bàn.
Sở GDĐT cũng phối hợp với Công an tỉnh để bảo vệ an ninh, an toàn cho tất cả các khâu trong kỳ thi. Tại các địa điểm in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, các điểm thi, chấm thi Sở GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phương tiên, thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Các tình huống phát sinh, bất ngờ được Ban chỉ đạo cấp tỉnh lên các phương án phòng ngừa, xử lý.
Công tác in sao, vận chuyển đề thi, giao đề thi, bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo an ninh, an toàn, theo đúng quy chế và pháp luật quy định. Trong đó, khu vực in sao đề thi là một nhà biệt lập và được Công an tỉnh bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập tại khu vực in sao đề thi.
Tại tỉnh Lai Châu, để chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, đại diện Sở GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo các trường THPT rà soát số lượng học sinh trên những địa bàn dễ xảy ra sạt lở đất, có phương án tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh trước, trong và sau kỳ thi để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ngoài ra, các trường bố trí cán bộ, giáo viên nhân viên chưa phải điều động tham gia làm thi, chủ động phương tiện để đưa, đón học sinh bán trú, nội trú đến địa điểm thi đúng thời gian và an toàn cho thí sinh.
Các trường phối hợp với các ban, ngành, Đoàn thanh niên, huyện/thành đội tại địa phương có phương án đưa đón học sinh đến các điểm thi đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ thi vì khó khăn về kinh tế, phương tiện đi lại.
Để ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ xảy ra, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các điểm thi trên địa bàn, chuẩn bị điểm thi dự phòng đảm bảo đủ các điều kiện như điểm thi chính. Đồng thời, sẵn sàng di chuyển địa điểm thi đến địa điểm dự phòng nếu có diễn biến bất thường khi có thiên tai xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng thông tin, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND cấp huyện chịu trách nhiệm xây dựng các phương án cụ thể kịp thời hỗ trợ các thí sinh, các cán bộ, giáo viên, giảng viên ở điểm thi trong các tình huống bất thường. Những địa điểm có nguy cơ mưa bão, lũ lụt cao, phải chủ động phương án cho học sinh ở lại khu vực an toàn để có thể đi đến điểm thi mà không bị cản trở bởi mưa bão, lũ lụt. Trong mọi tình huống phải đảm bảo không có bất kỳ thí sinh nào không đến được điểm thi do bị mưa bão, lũ lụt hay các trở ngại khách quan khác ảnh hưởng đến việc đi lại.
Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, đặc điểm địa bàn tỉnh Quảng Ninh trải rộng phức tạp về vị trí địa lý nên một số điểm thi phải đặt tại vùng hải đảo, xa trung tâm. Do đó, công tác vận chuyển đề thi, bài thi còn nhiều hạn chế, khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.
Ngoài ra, hiện nay, các phương tiện công nghệ cao có nguy cơ gây gian lận thi cử được lưu hành trên thị trường, khó kiểm soát. Việc kiểm tra, phát hiện ra những thiết bị thu phát hiện đại không được phép mang vào phòng thi đối với cán bộ coi thi còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Công an tỉnh đang phối hợp và tham gia trực tiếp vào Ban chỉ đạo Kỳ thi cấp tỉnh, bố trí, hướng dẫn cán bộ ở tất cả các khâu. Đặc biệt, Công an tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn cán bộ coi thi nhận diện, phát hiện các phương tiện công nghệ cao gian lận trong kỳ thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi.
Tại TP HCM, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết Thành phố dự kiến huy động gần 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi. Trong đó khoảng 11.280 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi và 2.370 nhân viên phục vụ tại các điểm thi. Riêng lực lượng công an tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi khoảng hơn 400 người.
Các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi.
Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, đã làm việc với Điện lực để đảm bảo không bị gián đoạn về điện trong những ngày tổ chức thi. Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đã bố trí phà riêng để đảm bảo qua phà Cần Giờ không bị ách tắc trong những ngày diễn ra Kỳ thi.
“Ban Chỉ đạo thi thành phố quán triệt chung đến các Hiệu trưởng nhà trường, làm thi không sáng tạo, bám sát đúng quy chế, quy định của Bộ GDĐT. Mỗi điểm thi đều có một tập tài liệu đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo tất cả các quy trình đúng quy định”, Giám đốc Sở GDĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay./.
Theo VOV.vn
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica