Thủ tướng khảo sát thực địa, thúc đẩy tuyến cao tốc ven biển 'quan trọng chiến lược' với Đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Phạm Minh Chinh nhấn mạnh tuyến đường cao tốc Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình là tuyến đường có tầm quan trọng rất chiến lược và khi hoàn thành sẽ tạo đột phá cho toàn bộ khu vực ven biển, vùng Đông Nam Đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải tập trung nguồn lực của tỉnh, của Trung ương, của doanh nghiệp để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, sớm xây dựng, hoàn thành tuyến đường, giúp các địa phương trong vùng có thêm động lực, không gian phát triển mới.
Thủ tướng cho rằng Nam Định từng là địa phương phát triển nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng nhưng hiện nay đang phát triển chậm lại so với nhiều địa phương khác do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu đường cao tốc kết nối. Mặt khác, khi tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục đầu tư các công trình, dự án hạ tầng quan trọng khác như cảng biển.
Thủ tướng lưu ý các địa phương liên quan, Bộ Giao thông vận tải phải quyết liệt, khẩn trương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thành, kết nối toàn tuyến đường, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, "các cơ quan báo cáo đã làm việc tích cực nhưng quan trọng là phải ra hồ sơ, ra dự án cụ thể".
Thủ tướng yêu cầu cần đổi mới tư duy, xây dựng tuyến đường này trên tinh thần vì nước, vì dân, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng lưu ý phương thức đầu tư theo hợp tác công tư (PPP) phải đúng quy định của pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm từ một số dự án PPP trước đây để quy hoạch, xây dựng tuyến đường này với tốc độ tối đa khoảng 120 km/h.
Đặc biệt, phương án tài chính dự án cần tính toán lưu lượng xe không phải dựa trên số liệu hiện nay mà trên cơ sở kịch bản phát triển sau khi có tuyến đường, với tinh thần đột phá, tầm nhìn chiến lược, "tránh chưa làm đường đã đếm xe, chưa làm sân bay đã đếm khách". Thực tiễn nhiều dự án giao thông sau khi hoàn thành có lưu lượng xe vượt xa dự tính ban đầu, có thể tăng hàng trăm phần trăm so với trước, bởi các dự án mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế-xã hội khu vực có dự án và nhu cầu giao thông vận tải.
Thủ tướng đặt vấn đề: Nếu lưu lượng xe chỉ tăng khoảng 12% mỗi năm sau khi có đường thì có cần thiết phải đầu tư một khoản kinh phí lớn như vậy để làm đường mới không, có hiệu quả không hay chỉ cần mở rộng đường cũ? Nếu lưu lượng xe chỉ tăng khoảng 12%, trong khi suất đầu tư cao, tốc độ lại thấp thì thời gian thu phí sẽ kéo dài, phí cao, người dân không đồng ý, không hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, dự án sẽ rất khó khả thi. Thực tiễn nhiều dự án BOT trước đây đã cho thấy điều này. Mặt khác, nếu tuyến đường chỉ thiết kế 80 km/h thì sau khi xây dựng xong sẽ sớm quá tải, phải đầu tư mở rộng ngay.
* Tại công trường thi công cầu qua sông Đào (phường Trần Quang Khải, TP. Nam Định), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tỉnh triển khai xây dựng công trình này; đề nghị tỉnh đã có quyết tâm thì phải làm nhanh, không để kéo dài, đội vốn, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình.
Cầu qua sông Đào là cây cầu dây văng đầu tiên của TP. Nam Định, có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, kết nối trực tiếp với tuyến đường trục phía nam TP. Nam Định và nối liên thông với tuyến đường bộ mới TP. Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Đây là một dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và TP. Nam Định nói riêng.
Các dự án khi hoàn thành đồng bộ sẽ tạo ra không gian phát triển mới, tăng cường kết nối khu vực trung tâm TP. Nam Định với các huyện phía nam và vùng kinh tế ven biển; giảm tải cho Quốc lộ 21, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, TP. Nam Định được định hướng sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào là trục xương sống, phát triển về hai bên sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới Nam sông Đào.
Theo Chinhphu.vn