Tiếp tục triển khai thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua
Tham dự phiên họp có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Hội đồng.
Tại phiên họp, Hội đồng đã đánh giá công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và phân tích, làm rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và đề ra các biện pháp, giải pháp có tính khả thi nhằm đổi mới hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng; xem xét Báo cáo Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; thảo luận, cho ý kiến về các tập thể được đề nghị phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong năm 2022 vừa qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong những thành công đó, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, nhất là các phong trào thi đua sôi nổi, thực chất, hiệu quả và có sức lan tỏa cao trên cả nước.
Hội đồng, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ động, tích cực triển khai các hoạt động và hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra; tham mưu, tổ chức phát động, triển khai quyết liệt, đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương triển khai các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ chính trị, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng.
Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, sáng tạo, hiệu quả các phong trào thi đua, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần thi đua phấn đấu vượt qua khó khăn của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước; góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thúc đẩy và mở rộng đối ngoại, hội nhập.
Điển hình là phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"; các công thức, trụ cột trong phòng chống dịch được đúc rút; Chiến lược vaccine với 3 thành tố (Quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử miễn phí cho người dân) được thực hiện rất thành công. Cùng với đó là các phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 – 2025; Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến" giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành…
Cả nước đã phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ để đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không để ai không có Tết theo chỉ đạo của Ban Bí thư, với nhiều hành động, hình ảnh đẹp, thể hiện nghĩa tình, tính nhân văn của đồng bào, đồng chí, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của lực lượng vũ trang.
Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều phong trào thi đua, điển hình như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào "Dân vận khéo", Bộ Giao thông vận tải phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông được bắt đầu từ ngày 6/1/2023 đến hết ngày 6/2/2023; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát động phong trào thi đua "Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công"; Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua "Toàn ngành thông tin và truyền thông tiếp tục thi đua đổi mới sáng tạo, đi đầu thực hiện chuyển đổi số để phát triển bền vững"…
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt việc xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng, trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật tại Kỳ họp thứ 3 theo tinh thần đổi mới cơ bản, toàn diện công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong tình hình hiện nay.
Công tác tôn vinh điển hình tiên tiến, công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được thực hiện kịp thời, trong đó đã khen thưởng phòng, chống dịch cho hơn 1.800 trường hợp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua-khen thưởng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, phải nắm chắc, bám sát tình hình, kịp thời phát động, triển khai các phong trào thi đua theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Càng khó khăn thì càng phải thi đua" để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội năm 2023.
Cùng với đó, cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức. Thi đua, khen thưởng phải xuất phát từ nhân dân. Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.
Theo Thủ tướng, năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, cần sự chung sức, đồng lòng và vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành, các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua ngay từ những tháng đầu năm. Quán triệt và thực hiện theo tinh thần chủ đề điều hành năm 2023: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tiếp tục triển khai thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" gắn với thi đua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025, phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"; đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp…
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về thi đua khen thưởng. Đôn đốc, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, quy chế, quy định để tổ chức thực hiện đồng bộ, phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng mới ban hành.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt". Triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến" giai đoạn 2022-2025. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin, truyền thông trong phát hiện, tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập, chiến đấu…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị "về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng"; Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; các phong trào thi đua yêu nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023.
Về các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Thủ tướng nêu rõ, đây là hoạt động quan trọng, rất ý nghĩa, yêu cầu các cơ quan liên khẩn trương hoàn thiện Đề án tổ chức và triển khai bảo đảm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và có sức lan tỏa cao, tác động tích cực.
Về đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và công tác thi đua khen thưởng trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng trong đổi mới công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình.
Cùng với đó, thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, dân chủ, chính xác, khách quan, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa cao hơn, để tạo động lực phấn đấu cho các cá nhân, tập thể xứng đáng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần lớn lao cho cộng đồng, xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao và đột xuất, có những hành động cao đẹp, được xã hội tôn vinh, trân trọng, ngưỡng mộ; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp...
Về các tập thể được đề nghị phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến khách quan, trung thực, đánh giá đúng thành tích; trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ thực hiện các thủ tục liên quan với tinh thần dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, đúng quy trình, quy định, xứng đáng với những thành tích đã đạt được theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đề nghị tặng các danh hiệu cao quý này không chỉ nhằm tôn vinh công lao, tạo động lực cho các tập thể, cá nhân mà còn có tác động truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị trong toàn xã hội.
Theo Chinhphu.vn