Thời sự trong nước

Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ

Mai Anh - 20:34 18/03/2023 GMT+7
Sáng nay 18/3, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Phước phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; ông Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Bà Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.

Trong những năm qua, nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hội nghị tổng kết lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Hội nghị còn tạo điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, cần trao đổi, tham vấn và hỗ trợ lẫn nhau nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế các tác động xung đột, hạn chế các tác động tiêu cực gây ảnh hưởng đến địa phương khác trong vùng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng môi trường...

Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để phát triển vùng trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng..

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với vai trò là hạt nhân trong liên kết phát triển kinh tế vùng, TP. HCM luôn ý thức sự phát triển của thành phố không thể tách rời và có đóng góp rất lớn của các địa phương vùng Đông Nam bộ và các vùng khác.

Thông qua hợp tác, liên kết vùng, TP. HCM là địa phương được hưởng lợi nhất trong việc mở rộng không gian phát triển, có thêm những ý kiến đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm nhiều mô hình để phát triển các thế mạnh, đặc thù của từng địa phương.

Theo ông Mãi, thời gian qua TP. HCM có nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế xã hội với các tỉnh, đặc biệt trong quy hoạch, hạ tầng giao thông với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Sau khi Chính phủ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, khối lượng công việc của TP. HCM rất lớn, do đó cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các địa phương lân cận.

Trong đó, TP. HCM được giao chủ trì xây dựng, đề xuất với Chính phủ để thực hiện 8 đề án hoàn thành trong 2023 và 8 dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2022-2030.

6 tỉnh, Thành phố, vùng Đông Nam Bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Do đó, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề nghị các tỉnh và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP. HCM nhằm phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.

TP. HCM sẽ hợp tác với các địa phương các lĩnh vực như hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại – dịch vụ; hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghiệp và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Để đạt tốc độ phát triển nhanh và bền vững, theo ông Mãi, các địa phương cần phát huy tối đa thế mạnh của ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Đặc biệt, cần chú trọng phát huy tối đa lợi thế của vùng Đông Nam bộ; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; đặc biệt là các giải pháp hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, thiết thực của doanh nghiệp, các địa phương. Qua đó, cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ nhằm tránh để mất cơ hội phát triển của các tỉnh, thành nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.

Ông Nên cũng đề nghị các địa phương cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển. Riêng TP. HCM cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương cùng phát triển. Đặc biệt, cần thực hiện tốt 7 nội dung đã được triển khai hợp tác giữa các đơn vị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương trong vùng cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển; cần phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động. Riêng TP. Hồ Chí Minh cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương phát triển…; có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại của địa phương và khu vực. "TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động vùng", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội, nghị các doanh nghiệp cũng tìm cơ hội kết nối cung cầu với các đối tác tại Tp.HCM

Trong khuôn khổ hội nghị, 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023 về các nội dung: Công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác