Tổng số chi phí điều trị 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm đến 1% GDP
Theo số liệu điều tra, thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng lá ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là học sinh, sinh viên, giới trẻ.
Tại hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Hàng năm người dân Việt Nam bỏ ra đến 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Đồng thời, chi phí để người dân Việt Nam điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm đến 1% GDP, trong khi chi phí trung bình của thế giới là 1-2%.
Hiện nay, việc thông tin và quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thuốc lá mới này chưa được đồng bộ và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Điều này dẫn đến việc số lượng lớn sản phẩm thuốc lá mới vẫn được đưa vào Việt Nam qua đường nhập lậu, xách tay… Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội, Facebook, Zalo cá nhân…
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế chia sẻ: Với 15,6 triệu người hút thuốc, Việt Nam nằm trong số 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc cao nhất. Mỗi năm, Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả. Số ca tử vong do thuốc lá cao gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm.
Theo WHO, thế giới chưa có bằng chứng thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần.
Thông tin về tác hại của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Thuốc lá thế hệ mới vẫn chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, thuốc lá điện tử tạo nồng độ nicotine cao, một số thuốc lá thế hệ mới đã có nồng độ nicotine gấp 2 lần so với thuốc lá truyền thống.
WHO đã khuyến cáo, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam; nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.
Trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp và trao đổi tại hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân nhìn nhận và hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và kinh tế. Từ đó, có những hành động cụ thể, góp phần chung tay giảm thiệt hại do thuốc lá gây ra tại Việt Nam.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica