Vào chi, tổ hội nghề nghiệp, nông dân giúp nhau làm giàu
Giúp hội viên nông dân liên kết sản xuất
Ông Nguyễn Quang Thuỷ – Chủ tịch Hội ND tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện nay, sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, nhất là đối với ND. Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội ND tỉnh Kon Tum đã có nhiều kế hoạch, chuyên đề để hướng dẫn, hỗ trợ ND tham gia các hình thức kinh tế tập thể, trong đó xây dựng, phát triển các mô hình chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp theo tiêu chí “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Nổi bật trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội ND tỉnh Kon Tum đã phát triển được 13.493 hội viên mới, đạt 130% kế hoạch, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên hơn 65.000 hội viên (trong đó, hội viên người DTTS hơn 44.400 người, chiếm 68,31%).
Mô hình nuôi bò của nông dân huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.
Các cấp Hội ND vận động thành lập 42 chi hội ND nghề nghiệp với 636 hội viên; 187 tổ hội ND nghề nghiệp với 2.515 hội viên; phối hợp hướng dẫn thành lập 30 HTX với 530 thành viên, 50 tổ hợp tác với 558 thành viên.
Tại huyện Đắk Tô, thời gian qua, Hội ND huyện đã tập trung chỉ đạo từng bước xây dựng, phát triển các chi hội, tổ hội nghề nghiệp ND tại các địa phương, các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, Hội ND huyện chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội định hướng, hướng dẫn các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động thực chất, có chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.
Điển hình như Tổ hội ND nghề nghiệp “Nuôi heo sọc dưa và heo địa phương” xã Văn Lem, huyện Đắk Tô được thành lập vào đầu năm 2021 tại thôn Tê Pên (xã Văn Lem). Mô hình được thành lập với 6 thành viên và hiện có 12 lao động làm việc tại đây, tất cả đều là người dân tộc Xơ Đăng. Mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Chị Y Huy - Chủ tịch Hội ND xã Văn Lem cho biết: Hiện tại mô hình Tổ hội ND nghề nghiệp “Nuôi heo sọc dưa và heo địa phương” có 200 con heo, hộ nhiều nhất là 170 con, hộ ít nhất có 6 con. Nhờ có mô hình, các hội viên có thể cùng nhau trao đổi, san sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi để giảm rủi ro, tăng giá trị sản phẩm. Hội đang tiến hành rà soát, vận động các hộ chăn nuôi heo khác để kết nạp thêm thành viên, tiến tới mở rộng quy mô để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn, mang lại thu nhập cho ND.
Duy trì và nhân rộng các mô hình
Tương tự, mô hình tổ hội nghề nghiệp sản xuất rau an toàn tại khối 7, thị trấn Đăk Tô hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều khởi sắc cho bà con ND nơi đây. Anh Vũ Trung Kiên – thành viên tổ hội nghề nghiệp sản xuất rau an toàn thị trấn Đăk Tô cho biết: Vào tổ hội nghề nghiệp, anh đã được tổ hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ ủ hoai, bón lót, cày xới, gieo trồng phù hợp đúng kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý theo từng giai đoạn, lắp đặt hệ thống tưới phun đồng thời trồng xen canh các loại rau cải, rau xà lách, rau dền, khổ qua, mướp, dưa leo... Nhờ đó, giá trị kinh tế tăng lên so với sản xuất rau thông thường khoảng 40%. Hiện với gần 1ha, mỗi năm gia đình anh Kiên thu hoạch từ 9-10 vụ, trừ chi phí gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Mô hình trồng cà phê của nông dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND huyện Đắk Tô đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, vốn vay Ngân hàng chính sách, các chương trình dự án khác…
Ông Võ Đình Thăng - Chủ tịch Hội ND huyện Đăk Tô cho biết: Đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 5 tổ hội ND nghề nghiệp với hơn 70 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… Trong quá trình hoạt động, các chi, tổ hội nghề nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 200 triệu đồng/tổ hội/năm. Tiêu biểu như: Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi bò bán công nghiệp tại thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô với 10 thành viên; Tổ hội trồng và chăm sóc, phát triển cà phê tại thôn 3, xã Tân Cảnh với 11 thành viên, diện tích canh tác 46,7ha đất.
“Khi tham gia các chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp, người ND cũng đã chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây được coi là giải pháp căn cơ để cơ cấu lại sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất liên kết để giúp người ND nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp”- Chủ tịch Hội ND tỉnh Kon Tum Nguyễn Quang Thuỷ cho biết.
Để các loại hình kinh tế hợp tác ngày càng được phát triển, tăng lên về số lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hoạt động bền vững, bên cạnh phát huy nội lực, lãnh đạo Hội ND tỉnh Kon Tum cho rằng Hội ND các cấp cần nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách từ cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, phương thức quản lý vận hành để giúp thành viên các mô hình có định hướng cụ thể về sản xuất. Bên cạnh đó, khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của các địa phương trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thành lập, tham gia chi hội, tổ hội nghề nghiệp.