Việt Nam - Đan Mạch tăng cường hợp tác sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ
Áp lực từ thị trường trong nước và quốc tế cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ càng nâng cao tính quan trọng của vấn đề này. Các lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nhân trong ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm đến từ Đan Mạch và Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Việt Nam - Đan Mạch tăng cường hợp tác sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ” tại Hà Nội. Nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ.
Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật hữu cơ vào năm 1987. Năm 1989, Đan Mạch đã ban hành nhãn hữu cơ quốc gia. Qua đó, Đan Mạch đã tạo ra một hệ thống các điều kiện biến tư duy hữu cơ trở thành lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh mẽ, được tin tưởng và nổi tiếng với tiêu chuẩn cao về truy xuất nguồn gốc, sản phẩm và tính bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch cho biết: Một trong những lý do làm nên thành công của Đan Mạch về sản phẩm hữu cơ là việc chúng tôi không chỉ coi đó là ưu tiên về mặt chính trị, mà còn là sự hợp tác trên cơ sở tin tưởng và cùng cam kết lâu dài giữa tất cả các bên trong chuỗi giá trị. Hội thảo hôm nay chính là một cơ hội tốt nhằm tạo điều kiện cho các lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả doanh nghiệp trong ngành đến từ Đan Mạch và Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong sản xuất và quản lý sản phẩm hữu cơ.
Ông Teddy Hviid, đối tác của công ty Đan Mạch Let’s Eco ApS, kiêm CEO công ty TNHH D1888 Việt Nam chia sẻ: Công ty chúng tôi, Let’s Eco ApS có 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn và hướng dẫn Đan Mạch. Trong một số trường hợp, với các hướng dẫn và điều kiện còn khắt khe hơn luật EU. Do đó, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và quản lý sản phẩm hữu cơ để chia sẻ với những người tham dự Việt Nam tại hội thảo này. Chúng tôi mong rằng qua buổi trao đổi kiến thức và kết nối ngày hôm nay, chúng tôi có thể khuyến khích các đối tác Việt Nam, doanh nghiệpa và người tiêu dùng ủng hộ và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, vì sức khỏe của chính chúng ta và môi trường sống bền vững.
Thông qua buổi Hội thảo, các diễn giả, tổ chức tham gia sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và hình thành các tiêu chuẩn và quy định pháp lý về sản xuất và quản lý sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam. Hội thảo là một phần trong hợp tác dài hạn giữa Đan Mạch và Việt Nam nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam về chuyển đổi nền nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh và bền vững.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, Việt Nam tiếp tục là đối tác quốc gia quan trọng của chính phủ Đan Mạch trong các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica