Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Ngày 26/12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và đề nghị xây dựng các luật: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; Luật căn cước công dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Các thành viên Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra các luật, đề nghị xây dựng luật; đồng thời dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào các dự thảo luật, đề nghị xây dựng luật.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung phát sinh trên thực tiễn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật như: độ tuổi về hưu của Công an nhân dân; tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích xuất sắc của Công an nhân dân; số lượng sỹ quan cấp tướng; quân hàm đối với một số vị trí, chức danh công tác...
Đối với Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận, góp ý các nội dung liên quan việc tích hợp thông tin cá nhân của công dân như tài sản, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, lái xe, thông tin sinh trắc học vào tài khoản định danh điện tử của công dân; nhất thể hóa, đồng bộ tài khoản định danh điện tử công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo vệ thông tin cá nhân; độ tuổi cấp căn cước công dân; quy trình, dự kiến hoàn thiện, thời gian trình Quốc hội...
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu làm rõ những nội dung liên quan quy định về cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; quy định về hoạt động cho vay và hoạt động gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; về hoạt động của ngân hàng điện tử, ngân hàng số; các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng; hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ...
Đối với đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các thành viên Chính phủ phân tích, phân định rõ danh mục sản phẩm do công nghiệp quốc phòng bảo đảm và danh mục sản phẩm do công nghiệp an ninh sản xuất, tránh đầu tư trùng lặp; làm rõ những đánh giá tác động của các chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách; làm rõ mối quan hệ giữa quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với các luật chuyên ngành khác...
Về đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, cùng với phân tích tính cần thiết xây dựng luật, các đại biểu góp ý các nội dung liên quan việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cùng với các ý kiến cụ thể về từng nội dung của dự thảo luật, đề nghị xây dựng luật và chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, bộ, cơ quan liên quan các nhiệm vụ tiếp theo, hoàn thiện theo quy trình, quy định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nan, các bộ, ngành, cơ quan có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thẩm định, thẩm tra, đồng thời có những ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình theo quy định; chủ trì tiếp tục tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động của các luật để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật; lưu ý tác động của chính sách tới đời sống. “Việc xây dựng pháp luật phải tiếp tục thể chế hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống,” Thủ tướng lưu ý.
Kế luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là phiên họp xây dựng pháp luật cuối cùng trong năm 2022 của Chính phủ. Nhìn lại năm 2022 cho thấy, Chính phủ tập trung đầu tư, quyết liệt tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Trong năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, chính sách; cho ý kiến, thông qua đối với 40 dự án, đề nghị xây dựng luật; số lượng phiên họp, dự án, đề nghị luật nhiều nhất trong những năm qua.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có bước chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, ngày càng chuyên nghiệp, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, nhất là về đầu tư cho nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho xây dựng pháp luật còn hạn chế. Do đó, cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học để công tác này được thực hiện hiệu quả hơn.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Theo đó, tổ chức rà soát tổng thể, đánh giá những mặt được, chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; bổ sung những vấn đề, nội dung còn thiếu hoặc chỉnh sửa những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính căn cứ các nghị quyết, kết luận, chương trình công tác của Bộ Chính trị, Quốc hội, thực hiện rà soát chương trình xây dựng pháp luật, phân công cho các bộ, ngành triển khai xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này.
Các bộ, ngành trong quá trình xây dựng pháp luật nếu có vấn đề vướng mắc thì các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp trao đổi để thống nhất; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ thẩm định kỹ lưỡng, đầy đủ, trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm để việc xây dựng pháp luật đảm bảo kịp thời, chất lượng cao.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện 5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng pháp luật là: tăng cường vai trò người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực; thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực.
Thủ tướng nhấn mạnh phải đánh giá cả 2 mảng công tác: xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt phải chú trọng truyền thông chính sách trong cả quá trình xây dựng pháp luật và sau khi luật được ban hành đưa vào thực thi.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành tích cực thực hiện chương trình công tác về xây dựng pháp luật còn lại của năm 2022; khẩn trương xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính nghiên cứu xây dựng Nghị quyết - văn bản riêng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ cho năm 2023 và thời gian tới; tránh việc phải ra nhiều văn bản, công điện, chỉ thị chỉ đạo việc tổ chức thực hiện. “Nguyên tắc là giao việc cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát,” Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo TTXVN/Vietnam+