Xã hội

Xem bói online tràn ngập mạng xã hội: Ban Tôn giáo Chính phủ lên tiếng

16:23 09/03/2023 GMT+7
Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng lên tiếng trước việc các hình thức xem bói online tràn ngập mạng xã hội, khiến dư luận bức xúc.
Ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ

Sáng 9/3, tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 3/2023, phóng viên đặt vấn đề, thời gian gần đây, chỉ cần lướt Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…, người dùng mạng xã hội dễ dàng tìm thấy hàng loạt những trang xem bói online, số người theo dõi các tài khoản này lên đến hàng trăm nghìn người. Dù vậy, các cơ quan có thẩm quyền đang cho thấy sự “bị động” trong việc giải quyết thực trạng này.

Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nhìn nhận: “Phương thức tuyên truyền của Ban Tôn giáo Chính phủ nói riêng và các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo nói chung đang chậm so với mạng xã hội”.

Ông Nguyễn Tiến Trọng cho biết, đối với chức năng nhiệm vụ được giao, Ban Tôn giáo Chính phủ không mạnh về mảng truyền thông khi chỉ có một trung tâm thông tin rất nhỏ với vài nhân sự, vì vậy việc lan truyền các thông tin chính thống vẫn theo phương thức truyền thống.

Theo Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan này đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những đổi mới về phương thức quản lý trên không gian mạng.

“Đối với các mạng xã hội thì Ban Tôn giáo Chính phủ không đủ sức để quản lý mà phải phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, lực lượng an ninh mạng… Một điểm tích cực là vừa qua chúng ta đã xử lý một số vụ việc cụ thể mang yếu tố dị đoan bằng xử phạt hành chính cho đến hình sự”, ông Nguyễn Tiến Trọng nói.

Ông Nguyễn Tiến Trọng cho rằng, việc xử lý các sự việc liên quan đến tôn giáo hết sức nhạy cảm nên đòi hỏi sự cẩn trọng. Dẫn ví dụ như vụ Tịnh thất Bồng Lai (tỉnh Long An) đưa ra xét xử nhưng các tổ chức, đối tượng bên ngoài lại cho rằng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đang dựa vào đó để đàn áp tôn giáo.

“Một vụ việc khác cũng được báo chí quan tâm là CLB Tình người, hiện nay vẫn phải chờ kết quả điều tra của Bộ Công an. Những vụ án mang tính chất như thế này không thể có kết luận trong thời gian ngắn được”, ông Nguyễn Tiến Trọng cho hay.

Nêu thực trạng sự lan truyền thông tin nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội với những hình thức hấp dẫn, trong khi các cơ quan Nhà nước nếu muốn đưa thông tin chính thức lên phương tiện thông tin đại chúng thì phải kiểm chứng chuẩn xác, rõ ràng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ Nguyễn Tiến Trọng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục hỗ trợ Nhà nước lan tỏa mạnh mẽ thông tin chính thống góp phần đánh bật những thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Cũng tại hội nghị, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Đây được xem là bức tranh gần toàn diện về tình hình thực thi, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang gồm 3 chương bao gồm các nội dung: giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác