Chàng trai dân tộc Tày nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa nông sản quê hương vươn xa
Anh Hoàng Văn Huynh đã có nhiều sáng kiến trong việc chế biến, sấy hồng không hạt, chuối dẻo, làm bánh phồng. Những sản phẩm này đã trở thành đặc sản của địa phương, đáp ứng thị hiếu khách hàng, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Quyết tâm nâng tầm giá trị hồng không hạt
Tại xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nơi anh Hoàng Văn Huynh sinh sống có nhiều nông sản ngon như chè, mơ, cam, quýt, dong giềng… đặc biệt, nơi đây có cây hồng không hạt là loại trái cây đặc sản của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Kạn với vị giòn, thơm ngon ít nơi nào có được. Thứ quà quê này chiều lòng được tất cả những thực khách khó tính nhất, đang trở thành cây trồng thế mạnh của đồng bào vùng cao Bắc Kạn.
Anh Huynh cho biết, cây hồng không hạt là cây trồng bản địa chỉ có ở tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn. Hồng không hạt Bắc Kạn tốt nhất và an toàn nhất do trồng ở vùng nước sạch, vùng đất chưa bị tác động bởi con người, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa ra mùa Xuân, quả chín từ tháng 6 đến tháng 7, quả chín có màu vàng đỏ, có mùi hương thơm dịu nhẹ, lòng vàng bóng, ăn có vị ngọt rất giòn có hạt đường li ti bóng như đường cát bám ở ngoài đó là gen quý của Hồng không hạt Bắc Kạn mà hồng nơi khác không có.
Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc của người dân theo kiểu truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ; Thu hoạch quả thường đóng vào bao, đóng gói túi nên hồng thường bị dập vỏ, bảo quản khó thường chỉ được ba ngày từ khi hồng chín nên tư thương thường ép giá.
Luôn trăn trở, tìm hướng nâng cao giá trị cho đặc sản quý của quê hương cũng là để hồng không hạt được đảm bảo an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng, mẫu mã đẹp, dễ bảo quản, nhất là sử dụng được lâu dài và đủ điều kiện tham gia thị trường thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cho người dân gắn bó, phát huy lợi thế cây đặc sản địa phương, năm 2017, người con quê hương Ba Bể này đã quyết tâm thành lập HTX “Hoàng Huynh” với 10 thành viên sản xuất hàng nông, lâm sản. Ngay sau khi thành lập, HTX đã tập trung đưa máy móc, thiết bị và sấy khô hồng không hạt, nâng tầm giá trị cho quả hồng không hạt.
Kỹ thuật sấy trái hồng được tiến hành theo các bước: Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu, hồng sấy phải tươi, đem ngâm, lựa chọn những quả đạt tiêu chuẩn, rửa sạch, sau đó gọt sạch vỏ, có thể chẻ đôi tuỳ mục đích sử dụng, xếp đều lên khay và sấy. Hồng được sấy lần 1 với loại nguyên quả ép tạo thành hình rồi tiếp tục đem sấy lần 2, loại hồng chẻ sau khi sấy xong có thể mang đi đóng gói liền.
Trong quá trình sấy, cần lưu ý quả hồng phải cứng, vỏ quả đang ở màu vàng đỏ. Nhiệt độ sấy luôn luôn duy trì ở mức 6500c, khi sấy phải thường xuyên nắn, ép hồng để tạo hình.
Việc sấy khô hồng không hạt thành công và tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm, đến năm 2020, HTX đã thu mua 5 tấn hồng tươi để sấy khô, mang lại doanh thu 60 triệu đồng. HTX liên kết với người dân trồng 1 ha, tạo việc làm cho 8 lao động thời vụ.
Thành công với chuối sấy đạt OCOP 3 sao
Từ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sấy khô hồng không hạt thành công, năm 2018, anh Hoàng Văn Huynh tiếp tục áp dụng máy móc để chế biến chuối tươi thành chuối sấy khô, sấy dẻo. Giải pháp sấy chuối bằng lò sấy điện đã thay thế kiểu sấy truyền thống của dân tộc Tày là lấy chuối chín bóc vỏ, đem phơi nắng hoặc treo gác bếp để ủ lên men đường (cuổi lạp) ăn hoặc làm bánh treo - cách làm vừa manh mún nhỏ lẻ mà sản phẩm lại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với giải pháp sấy chuối bằng lò sấy điện, sản phẩm “Cuổi phjói” (chuối sấy khô) và “Chuối sấy dẻo” của HTX Hoàng Huynh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được xuất bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và là sản phẩm chính HTX đang tập trung vào sản xuất. Hiện nay, HTX Hoàng Huynh đang liên kết, bao tiêu sản phẩm với gần 100 hộ dân trồng chuối trên địa bàn xã Khang Ninh; xây dựng được vùng nguyên liệu 35 ha.
Hàng năm, HTX Hoàng Huynh tiêu thụ chuối tây cho một Tổ HTX chuyên trồng và các thành viên HTX trên 70 tấn/25 hộ, trị giá trên 210 triệu đồng, tiêu thụ cho các hộ nông dân trong vùng 20 tấn/10 hộ trị giá 60 triệu đồng. HTX còn liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm chuối với diện tích 10 ha/25 hộ lân cận.
Doanh thu hàng năm của HTX từ chế biến chuối sấy dẻo trên 700 triệu đồng, mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng, còn từ sản phẩm phụ của chuối từ chăn nuôi cho doanh thu 90 triệu đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng.
HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động, thời vụ 03 lao động. Sản phẩm chuối sấy dẻo được xuất bán ở nhiều tỉnh thành, đáp ứng thị hiếu khách hàng, nâng cao giá trị cây chuối và góp phần giúp bà con nông dân trong tỉnh phát triển cây chuối bền vững. Giải pháp này tận dụng được hết giá trị cây chuối: Quả chuối chín được sấy dẻo làm đồ ăn, nguyên liệu bánh kẹo; Thân, lá chuối để chăn nuôi gia súc, gia cầm, …
Thời gian tới HTX sẽ liên kết với nhiều bà con nông dân trong vùng mở rộng diện tích trồng chuối lên 30ha, nâng cao sản lượng sản phẩm chuối sấy dẻo. Từ nguyên liệu quả chuối sẽ chế biến thêm bimbim, dấm chuối, rượu chuối, bánh kẹo chuối và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hiện đại hóa trang thiết bị, tích cực quảng bá các sản phẩm hồng sấy, chuối sấy tới các thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.
Phát huy tinh thần đam mê áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, đầu năm 2021, anh Huynh tiếp tục áp dụng máy móc sản xuất Bánh Phồng (Pẻng Phộng) của dân tộc Tày, Nùng để thành hàng hóa đặc sản riêng của tỉnh Bắc Kạn. Đây là loại bánh thơm, ngon, có hương vị riêng nhưng đang bị mai một dần. Bước đầu sản phẩm được nhiều người dân trong tỉnh ưa thích và thu hút du khách đến du lịch Ba Bể. Hiện nay, HTX Hoàng Huynh đang hoàn thiện hồ sơ sản phẩm Bánh Phồng để được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới tham gia thi sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh.