Nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất:

Cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp cất cánh

Đức Cảnh - 07:05 25/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những chuyển biến của thị hiếu tiêu dùng cùng với khó khăn về lực lượng lao động, chi phí sản xuất, tác động môi trường đòi hỏi lĩnh vực nông nghiệp cần kịp thời có giải pháp thích ứng. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất được đánh giá là bước đột phá, hoá giải nhiều thách thức và mở ra cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp “cất cánh”.

Đứng trước những thách thức, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, qua đó tái cơ cấu ngành, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm giúp nông dân đạt doanh thu gấp nhiều lần.

Mô hình sản xuất dưa lưới nhà màng đã khẳng định hiệu quả kinh tế, phù hợp xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hoá giải nhiều thách thức, bắt kịp xu thế

Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ trong ngành Nông nghiệp đang đứng trước cơ hội rất lớn để triển khai rộng rãi trên các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đến thuỷ sản. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân tại Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm.  

Khu đất trồng dưa lưới 1.000m2 của anh Nguyễn Xuân Kỷ ở xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh), trước đây chỉ trồng được ít lạc, khoai lang phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong gia đình. Nhờ chịu khó học hỏi, cùng vốn kiến thức có được, anh quyết định chuyển đổi xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trồng dưa lưới theo hướng VietGAP để phát triển kinh tế và đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Dự kiến, vựa dưa của anh Kỷ sẽ thu hoạch trong tháng 6, sản lượng ước đạt hơn 6 tấn, đem về nguồn thu khoảng 150 triệu đồng cho gia đình.

Nhìn những quả dưa căng tròn, đẹp mắt đang chờ ngày thu hái, anh Nguyễn Xuân Kỷ chia sẻ: “Hệ thống nhà lưới có ưu điểm vượt trội, giúp tránh được các yếu tố tiêu cực của thời tiết như: Mưa, sương muối và ngăn côn trùng, sâu bệnh xâm nhập. Tôi luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Đáng nói, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dưỡng chất và một số vi chất khác tới rễ cây, bằng cách hoà tan phân bón vào bể nước vừa không bị lãng phí nguồn nước, giảm công sức cho người lao động”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội ND xã Đức Lĩnh, (Vũ Quang), đánh giá: “Mô hình canh tác dưa lưới ứng dụng công nghệ sản xuất của anh Nguyễn Xuân Kỷ là mô hình đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp sạch ở địa phương, mở ra hướng phát triển mới cho người dân. Từ mô hình này, địa phương đang khuyến khích người dân trong xã đến tham quan, tích cực học tập kinh nghiệm để nhân rộng, nâng cao thu nhập”.

Thực tế cho thấy người dân ngày càng gần gũi với các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, do nằm trong vùng khí hậu rất khắc nghiệt và tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan của thời tiết ở Hà Tĩnh đã diễn ra thường xuyên. Số ngày nắng nóng, số ngày mưa tăng lên; tần suất bão hoạt động mạnh gây ra nhiều tổn thất đến sản xuất nông nghiệp.

“Việc áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu không chỉ diễn ra ở Hà Tĩnh mà còn trên cả nước. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

Được biết, nhờ tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, những năm gần đây, nông nghiệp Hà Tĩnh vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 50 triệu đồng/ha (năm 2013) lên trên 100 triệu đồng/ha (năm 2023). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng nghìn mô hình ứng dụng công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, chế biến mang lại hiệu quả giúp nông dân đạt doanh thu gấp nhiều lần.

Mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Văn Huy ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp cất cánh

Trong chiến lược phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1,1 tỷ USD. Theo đó, tập trung chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và canh tác thông minh trên các sản phẩm chính hiện có, tích hợp với ngành chế biến nông sản được Hà Tĩnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cho biết thêm: “Thời gian qua, chính quyền, các ngành chuyên môn ở Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số nhằm bắt kịp xu thế. Mặt khác, khuyến khích những mô hình sản xuất giảm tác động đến môi trường, hướng mục tiêu khai thác giá trị bền vững”.

Xây dựng được hướng đi đúng, nông dân ngày càng tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao: thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm (có 1.069 mô hình), thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng (có 5.889 mô hình), thu nhập từ 100 đến dưới 500 triệu đồng (có 86.256 mô hình). 

Để tiếp tục hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 194/KH- UBND, ngày 8/6/2021 về việc triển khai đổi mới hình thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Theo đó, hỗ trợ nông dân hình thành và phát triển các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn góc; khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ nông sản khó khăn.

Các hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác, nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số. Trên nền tảng công nghệ chuyển đổi số, nhiều cơ hội sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được mở ra.

Được biết, thực hiện chuyển đổi số, đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh đã cập nhật thông tin, dữ liệu của hơn 19.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó cập nhật lên phần mềm quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc được gần 500 cơ sở. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu có trên 100 sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống siêu thị và 5-10 sản phẩm nông sản xuất khẩu vào năm 2025; nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác