Thảo luận

Phát huy giá trị văn nghệ đại chúng trong xây dựng nông thôn mới: Đầu tư cho sáng tạo bài bản là đầu tư căn cơ, bền vững

(Tapchinongthonmoi.vn) Từ kho tàng tài nguyên văn nghệ truyền thống, cần phải làm gì để phát triển, làm giàu có thêm các di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu trình diễn nghệ thuật của Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hoá nông thôn mới?
Chương trình nghệ thuật ‘Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp’ do Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ đạo diễn, được diễn tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình với hàng ngàn người xem tại chỗ và truyền hình trực tiếp trên VTV8.

Những điều cần khẳng định

Nghệ thuật trình diễn truyền thống, bộ phận lưu giữ một cách tập trung nhất bản sắc văn hóa dân tộc, đã và đang đứng trước những thử thách cam go trong tổng thể phát triển văn hóa hiện đại. Quá trình hội nhập, tiếp biến, phát triển và truyền thông văn hóa hiện đại tạo nên sự cạnh tranh ghê gớm với các di sản nghệ thuật quá khứ.

Bắt đầu từ 1945, không thể phủ nhận những thành công của các chính sách văn hóa quốc gia trong việc bảo tồn, ứng dụng, phát huy, phát triển và quảng bá nghệ thuật cổ truyền của văn hóa Việt Nam. Sứ mệnh của các thể loại sân khấu và ca nhạc truyền thống đã góp phần tạo nên những giá trị quan trọng trong sáng tạo văn nghệ phục vụ các cuộc chiến tranh giữ nước và xây dựng chế độ mới, xã hội mới.

 Một thiết chế văn hóa quốc gia đã từng bước được tổ chức từ trung ương đến địa phương một cách hệ thống và phát huy giá trị quyết định của nó trong xây dựng văn hóa quần chúng, văn hóa đại chúng.

Sự khôi phục và xây dựng mới các không gian trình diễn văn hóa truyền thống như đình, quán, sân khấu ngoài trời đã được chú trọng phát triển. Không chỉ ở lĩnh vực nhà nước mà các khu nghỉ dưỡng, du lịch của các tập đoàn kinh tế lớn, nhiều nơi đã xây dựng những không gian lớn cho trình diễn nghệ thuật dân gian và phục vụ du lịch văn hóa.

Các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình, sân khấu, mạng xã hội ngày càng hướng đến việc quảng bá các Di sản văn hóa truyền thống và có những kết quả rộng lớn.

Các cơ sở đào tạo đều dồn trọng tâm vào lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Giáo dục phổ thông nhiều nơi đã đưa chương trình di sản quê hương vào môn học của địa phương.

Các hội diễn địa phương, vùng, các tộc người, các đối trượng, quốc gia được mở ra đều đặn, góp phần quảng bá, phát triển dân ca vùng miền.

Đa số các Di sản văn hóa cấp quốc gia, Di sản văn hóa được UNESCO ghi danh đã như bừng tỉnh, có một sức sống mới, rất đáng ghi nhận.

Những điều đó là hoàn toàn có thể khẳng định. Việt Nam, với tư cách là một quốc gia - dân tộc, đã không là một không gian chịu bi kịch của tình trạng “trôi giạt văn hóa” như nhiều quốc gia khác trên thế giới dù sự phát triển kinh tế còn gặp muôn vàn khó khăn.

Tuy nhiên, trong kỳ vọng của những người hành nghề nghệ thuật truyền thống, trong đời sống văn hóa thực tiễn của nhân dân, nỗi lo về sự khó khăn, mai một của các bản sắc trong nghệ thuật cổ truyền là có thật, thường trực và là điều thực tế. Tùy từng Di sản mà sự khó khăn hay thuận lợi là rất khác nhau. Điều này cần phải nghiên cứu cụ thể, thấu hiểu cụ thể để có phương pháp bảo tồn và phát triển.

Đặc biệt, thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá lĩnh vực nghệ thuật này.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11 năm 2021 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, Hà Nội đã thể hiện nhận thức, phương châm, đường lối về văn hóa của Đảng ta, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong toàn bộ sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời, cũng tại diễn đàn đó, những hứa hẹn đầu tư cho văn hóa cũng đã được nhấn mạnh. Tổng thể văn hóa nói chung và nghệ thuật trình diễn nói riêng đã có được sự động viên khích lệ lớn lao để tiếp tục hoạt động, phát triển và hy vọng một thời kỳ mới khởi sắc hơn.

Một cảnh trong Lễ vinh danh văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Hò khoan Lệ Thuỷ (nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ làm đạo diễn và luyện tập cùng diễn viên quần chúng). Ảnh VOV

Nhân dân cần gì nhất? Đó là “bài bản trình diễn”!

Qua một thời gian lâu dài có điều kiện đi vào cuộc sống thực tế của người dân để học tập, tìm hiểu và giúp sức cùng họ, chúng tôi, trên phương diện cá nhân, nhận thấy những nhu cầu của nhân dân với nghệ thuật trình diễn dân gian trong đời sống hiện đại. Đó là những nhu cầu hết sức cấp thiết. 

Gặp bất cứ nghệ nhân và tổ chức nghệ thuật dân gian nào, nhu cầu đầu tiên là “tiền đâu”, sau đó là nhu cầu được các cấp chính quyền quan tâm, ghi nhận công lao và góp phần tài trợ, được các nhà chuyên môn, chuyên nghiệp hướng đạo. Nhưng, một nhu cầu thiết yếu nhất đó là “bài bản”.

Dưới góc độ văn hóa dân gian, chúng ta thấy lực lượng tham gia các nghệ thuật diễn xướng truyền thống hiện nay là vô cùng đông đảo và có chất lượng cao. Hạt nhân của phong trào gồm một bộ phận được đào tạo bài bản từ các trường nghệ thuật từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, giảng dạy nghệ thuật tại các trường phổ thông từ mẫu giáo đến phổ thông trung học. Một bộ phận khác là các nghệ nhân dân gian đã tham gia văn nghệ từ trước. Bộ phận thứ ba là những nghệ sĩ về hưu tại địa phương tham gia phong trào. Bộ phận thứ tư là cán bộ, nhân viên thông tin văn hóa ở huyện và ở xã. Bộ phận thứ năm là học sinh các trường ở địa phương.

Các lực lượng này thường thành lập các đội văn nghệ, các câu lạc bộ để sinh hoạt, tập luyện và trình diễn trong nhiều dịp khác nhau, từ một lễ lên lão, bữa giỗ cúng đến các đợt tuyên truyền hoặc liên hoan nghệ thuật các cấp.

Trong nhiều nhu cầu của họ thì nhu cầu “bài bản” là cần thiết nhất.

Nhu cầu bài bản là từ các bài dân ca ngắn đến các trò diễn, tiểu phẩm sân khấu, các chương trình trình diễn thực tế. Để đáp ứng nhu cầu này, xưa nay, các sáng tác thường tập trung vào hội thi hoặc liên hoan các cấp độ với đề tài là tuyên truyền chính sách hoặc ghi nhận thành tích đơn vị, ngành nghề.

Bất cứ một nghệ nhân nào, một đội văn nghệ hoặc câu lạc bộ nào cũng cần những bài mới, lạ, độc quyền của chính họ. Đó là một niềm tự hào, niềm hạnh phúc chính đáng và dễ hiểu.

Nhu cầu cuộc sống thật là đa dạng mà bài bản cổ truyền khó lòng mà đáp ứng được. Cưới xin, ma chay, cúng tế thành hoàng, lễ hội làng xã, chùa chiền điện phủ, kỷ niệm di tích, họp đồng hương, đồng nghiệp, đồng môn, họp họ, cựu chiến binh, cựu giáo chức, khai trương nhà hàng, lên lão, khánh thành công trình, đón khách du lịch,… Tất cả, tất cả đều cần những bài bản cụ thể, phù hợp và có chất lượng cao, được nhân dân yêu thích, đáp ứng nhu cầu trình diễn của họ.

Qua kinh nghiệm điền dã, chúng tôi thấy lực lượng sáng tác tại chỗ không phải là không có năng lực nhưng vẫn không đáp ứng xuể nhu cầu của nhân dân.

Nhu cầu mở ra là bất tận trong cuộc sống nhưng những người để tâm sáng tạo phục vụ nhu cầu đó là chưa nhiều, cho dù người có năng lực sáng tạo là không ít.

Chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng nhân dịp đầu Xuân 2023 giữa các đội văn nghệ đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Vậy thì trước mắt nên làm thế nào?

Về mặt thiết chế văn hóa: Cần có những chủ trương, những kế hoạch cụ thể, những đầu tư hữu hiệu để khuyến khích mọi người sáng tạo bài bản cho nhân dân phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ. Sự đầu tư này thông qua tổ chức văn hóa các cấp.

Về mặt nghiên cứu: Chúng ta đã có thời gian nghiên cứu rất nhiều để thấu hiểu và khẳng định văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhưng qua hoạt động thực tế, cần khuyến khích những nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn hơn nữa, gần dân hơn nữa để phục vụ nhu cầu của văn nghệ nhân dân. Ví dụ, một chương trình nghiên cứu xã hội học về nhu cầu trực tiếp của nhân dân với nghệ thuật truyền thống, từ đó mà hoạch định lên kế hoạch sáng tác. Đó là những điều cần làm.

Về mặt tổ chức tập huấn sáng tác: Trước đây, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, các đợt tập huấn sáng tác đã được tổ chức rộng khắp. Kinh nghiệm sáng tác được truyền trực tiếp cho những người có khả năng. Cần tổ chức, không chỉ là các đợt liên hoan mà cái cần hơn là trao đổi, tập huấn kinh nghiệm sáng tác bài bản cho những người có năng lực và đam mê với nghệ thuật cổ truyền. Báo cáo viên là những người có chuyên môn để truyền nghề sáng tác qua các đợt tập huấn đó. Kinh phí là của ngành Văn hóa. Ngày nay, với sự tiện lợi của truyền thông kỹ thuật số thì việc trao đổi và truyền nghề chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Vấn đề không phải là năng lực mà nằm ở cách thức thực hành các kế hoạch.

Chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều báo cáo khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu. Điều đó rất tốt. Nhưng những công việc cụ thể, kỹ năng sáng tạo cụ thể để tạo nên sản phẩm tinh thần kiểu ứng dụng, chúng ta chưa làm được nhiều.

Phát động các cuộc thi sáng tác bài bản cho những đề tài cụ thể của địa phương cấp làng xã, cấp vùng, gắn với đời sống văn hóa trực tiếp của họ.

Khi đi nghiên cứu thực tế các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là sân khấu và ca nhạc dân gian, chúng tôi thấy rõ là năng lực sáng tác bài bản của nhân dân rất sung mãn. Tuy nhiên, kinh nghiệm để sáng tác được những bài bản được nhân dân yêu thích, có giá trị nghệ thuật cao, có thể tồn tại lâu dài làm giàu kho tàng chung… quả thật là còn ít.

Kinh nghiệm nghiên cứu cho ta thấy nhiều di sản văn hóa nghệ thuật tồn tại ở các địa bàn đã bắt đầu từ việc sáng tạo, chuyển giao của những nghệ nhân cụ thể, con người cụ thể.

Di sản múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) chắc chắn gắn liền với danh nhân Nguyễn Đăng Vinh, giữ chức Nội giám dưới triều Hậu Lê. Ông đã đưa rối nước từ kinh đô về quê hương cách nay hơn 300 năm. Nhờ được nhân dân yêu thích và gìn giữ mà ngày nay chúng ta có di sản nổi tiếng này để lại cho muôn đời.

Di sản văn hóa Chèo cạn làng Tùng Luật (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) gắn với công lao của cụ Nguyễn Hữu Như Bá, người thầy thuốc trải việc hành nghề khắp miền nam Trung bộ, đã tiếp thu và đưa hò bả trạo từ Quảng Nam - Đà Nẵng về cuối thế kỷ XIX. Và cũng chính trên cơ sở đó, vào đầu thế kỷ XX, phong trào hát bội vùng này đã phát triển mạnh mẽ, đào tạo được nhiều nghệ sỹ ưu tú cho nghệ thuật cách mạng như Châu Loan, Kim Quý, Kim Phú, Sỹ Cừ…

Di sản Ca vọng cổ chắc chắn bắt đầu từ sáng tạo của nghệ nhân Cao Văn Lầu (1892 - 1976) với bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng, được sáng tác vào những năm 20 của thế kỷ XX. Hiện nay, đã sưu tập được trên 60 biến thể của tác phẩm này, được gọi gọn lại là Vọng cổ cũng như nhiều sáng tác ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân gian vọng cổ. Trước đây, cố giáo sư Trần Văn Khê phát biểu rằng, chỉ riêng hiện tượng Dạ cổ hoài lang đã là một Di sản văn hóa tầm cỡ thế giới.

Sự phát triển phong phú trong thời hiện đại của Di sản văn hóa Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh không thể không ghi nhận công lao đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Trung Phong cùng với nhóm dân ca Diễn Châu từ năm 1946 đến nay về bài bản và làn điệu. Còn có những làn điệu đã trở thành dân ca phổ biến như Ví giận thương, Gốc lúa quầng trăng… và không ngừng tiếp tục được phát triển…

Các thế hệ trước, bằng lòng đam mê và tính tự nhiệm của mình đã tạo nên những thành quả vô cùng quý báu, tồn tại trong đời sống nông thôn, dân dã, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta ngày nay với điều kiện thuận lợi hơn nhiều, lẽ nào không noi gương các cụ, hướng vào một lĩnh vực gần dân, vì dân, thiết thực cho dân, đem lại những giá trị nghệ thuật mới, làm truyền thống cho tương lai. Chúng ta không làm thì ai sẽ làm việc đó cho dân, cho nước. 

Tóm lại, đầu tư cho sáng tạo bài bản là loại đầu tư căn cơ, bền vững, làm giàu cho các di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc. Người dân đang cần nhất những điều đó trong việc xây dựng đời sống văn nghệ đại chúng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác