Đoàn kết, vững lòng tin vào Đảng, Chính phủ để vượt qua siêu bão Yagi
Nhận diện những thông tin xấu độc về thiệt hại do bão Yagi
Theo ước tính đến thời điểm hiện nay, cả Hà Nội bị gãy, đổ khoảng 25.000 cây xanh do nguyên nhân bão Yagi vào Hà Nội với sức gió cấp 10, giật cấp 12. Theo mô tả tại Bảng Thang độ Beaufort được sử dụng trên toàn cầu nghĩa là sức gió lớn nhất trên 118km/giờ và có sức phá hoại ở mức độ thảm họa. Ở mức độ phá hoại này những tòa nhà ở Quảng Ninh còn bị bóc toàn bộ mặt kính, các mái tôn bị bốc bay lên trời… thì những cây xanh đô thị còn không chịu nổi. Nghĩa là, cây xanh gẫy đổ do siêu bão Yagi là rất bình thường và nếu không có công tác cắt tỉa cây của Công ty cây xanh đô thị Hà Nội thì mức độ còn lớn hơn nữa.
Trong số hàng vạn cây đổ đó, có không ít các cây cổ thụ, cây lâu năm nhưng các hình ảnh đang lan truyền chỉ tập trung vào các cây mới trồng hoặc một số cây xanh bị bật gốc còn nguyên bầu rễ. Điều đáng quan ngại là các hình ảnh này lan truyền với tốc độ chóng mặt, kéo theo hàng ngàn bình luận chửi bới chính quyền địa phương, kêu ca về tham nhũng, gây náo loạn xã hội… gây hoài nghi trong nhân dân.
Thực ra những cây xanh bị trồng sai kỹ thuật này là hậu quả của một vụ án liên quan đến nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án nâng khống giá cây xanh nhằm thu lợi bất chính. Ngày 28/8/2023, Tòa tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 18 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cộng với 12 năm tù của ba bản án trước đó, tổng hợp hình phạt đối với ông Chung là 13 năm 6 tháng tù. Hai giám đốc công ty bị xác định có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Đức Chung là Bùi Văn Mận (cựu giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh) lãnh 7 năm tù, Vũ Kiên Trung (cựu chủ tịch Công ty Cây xanh) lãnh 6 năm tù cùng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Nhóm tội phạm trên không chỉ nâng khống giá cây xanh mà còn trồng bừa bãi, lấy số lượng để thanh toán nhằm thu lợi tối đa. Mặc dù thời gian qua, nhiều cây đã được UBND thành phố Hà Nội trồng lại theo đúng kỹ thuật nhưng một số chưa bị phát hiện đã đổ trong cơn bão và bị các thế lực thù địch lợi dụng.
Chuyện của cầu Phong Châu
Cầu Phong Châu bị sập trụ T7 trong cơn lũ đột ngột từ thượng nguồn khiến nhiều người mất tích và phương tiện bị chìm dưới sông. Câu chuyện sẽ chỉ là những thiệt hại đau xót do bão lũ nếu không bị châm ngòi bới các thế lực thù địch. Những vấn đề được khơi gợi lại khi “có người phát hiện” trong báo cáo hai năm trước, tại cuộc tiếp xúc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Tam Nông đã kiến nghị tu sửa, nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới thay thế hai cây Phong Châu và cầu Tứ Mỹ đã xuống cấp. Kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ sau đó được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Đáng lưu ý là các cử tri chỉ nêu là nguyện vọng xây mới cầu do cầu hẹp, lượng người và phương tiện tăng cao chứ không phải vì cầu yếu. Trong văn bản trả lởi của Bộ GTVT cũng nêu rõ: “Trong điều kiện chưa thực hiện ngay việc đầu tư dự án, trước mắt Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ từ nguồn bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến”.
Trên thực tế, năm 2013, cầu được thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược, thảm lại mặt cầu. Năm 2018 cầu được xử lý trụ, chống va xô. Năm 2019, các trụ T6, T7 được xử lý xói lở. Năm 2023 cầu được sửa chữa, sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn. Tại định kỳ kiểm tra trước mùa mưa bão, cầu vẫn đảm bảo các thông số kỹ thuật an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GTVT công bố các yếu tố khẳng định an toàn trên thì trên mạng ngay lập tức xuất hiện hình ảnh một trụ cầu chụp trong mùa cạn với những cọc bê tông trơ trọi với chú thích là chân cầu Phong Châu. Ngay lập tức, hàng loạt các chỉ trích lại tiếp tục nhắm vào Chính phủ, Bộ GTVT với những lời lẽ cay nghiệt như “bỏ mặc nhân dân”, “chỉ biết tham nhũng” mà không có một chút chuyên môn về cầu đường hay thủy văn, lũ lụt… bỏ qua mọi giải thích trước đó của các cơ quan có thẩm quyền.
Sự xảo quyệt và nham hiểm của các thế lực thù địch
Qua câu chuyện đang diễn ra, chúng ta có thể thấy một thực tế là các thế lực thù địch không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để bôi xấu chế độ, tạo sự hoài nghi trong nhân dân, làm niềm tin vào Đảng, Chính phủ của người dân đứng trước thử thách. Những câu chuyện được châm ngòi khéo léo, những hình ảnh ngụy tạo, những tin đồn được sự tiếp tay của các trang mạng xã hội đang tạo ra một thứ “thuốc độc” phá hoại từ bên trong nhân dân, nơi niềm tin vào Đảng, Chính quyền là bất khả xâm phạm.
Có thể nói, các thế lực thù địch đã và đang thay đổi thủ đoạn của chúng, không còn những thứ bêu xấu, bôi nhọ trực tiếp vào các cá nhân lãnh đạo, chúng đang thay đổi phương thức và thủ đoạn hoạt động, đánh thẳng vào chính sách nhà nước, vào chính quyền, vào Đảng. Chúng lợi dụng một cách khéo léo với thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt nhằm vào lúc người dân mệt mỏi, kiệt quệ về bão, suy yếu về kinh tế, suy sụp về tinh thần để thấm sâu những tư tưởng độc hại về một chế độ tham nhũng, bỏ mặc nhân dân, chạy theo thành tích. Mục tiêu cuối cùng của chúng nhắm đến là phá hoại sự ổn định chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, bôi xấu sự ưu việt của chế độ và làm suy thoái lòng tin của nhân dân và một bộ phận đảng viên thoái hóa, biến chất, đang có dấu hiệu tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Ở góc độ khác, qua câu chuyện này, có thể thấy một bộ phận người dân đã có sự hoài nghi về tính minh bạch trong các vấn đề xây dựng đô thị và khi chỉ cần 1 sự kiện nhỏ, sự hoài nghi đó đã bật ra một cách thiếu kiềm chế và suy xét. Đây cũng là hậu quả của một số cách làm cũ, của một số nguyên lãnh đạo Hà Nội đã và đang trả giá về các hành vi của mình như Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh. Những người này đều có những sai phạm trong quản lý đô thị, khiến người dân Thủ đô nói riêng và cả nước mất lòng tin nghiêm trọng. Tuy luật pháp đã xử lý nghiêm khắc nhưng những hậu quả để lại thì vẫn còn hiện hữu và qua cơn bão Yagi, những tàn tích đó lại một lần nữa lộ diện để rồi tạo nên một cơn bão khác trong lòng dân.
Dự báo và Giải pháp
Dự báo
Những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm trên của các thế lực thù địch sẽ không dừng lại, đặc biệt trong thời gian một vài tuần tới. Ngày hôm nay đã bắt đầu những tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội về vỡ đê Yên Bái, Hải Dương, Lào Cai với tần suất ngày một tăng, kèm theo đó là những hình ảnh cắt ghép, lẫn lộn giả thật khiến người dân hoang mang, lo sợ. Sắp tới, khi bão tan, lũ rút, sẽ có thêm các tin đồn về dich bệnh lan tràn, nhiều người chết do dịch bệnh, nhiều gia súc, gia cầm chết hàng loạt, cây xanh không mọc lại…
Những tin xấu độc này đặc biệt ảnh hưởng tới những người xa quê hương, đang lo lắng khi chưa liên lạc được với người thân do mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Họ bị tin giả đầu độc sẽ nóng lòng tìm mọi cách về quê khiến xã hội rối loạn, mọi sinh hoạt bình thường bị đình trệ. Khi lũ rút, họ sẽ tiếp tục bị đầu độc, đối mặt với lo lắng về dịch bệnh khiến nhiều người sẽ đưa gia đình lên thành phố, các làng quê sẽ thiếu lao động, khắc phục hậu quả.
Giải pháp
Hiện nay, các lực lượng chức năng đang dồn hết sức vào việc khắc phục hậu quả sau bão và chống lũ lụt nên công tác trấn áp các đối tượng tung tin xấu độc có lúc, coa nơi còn bị lơi lỏng khiến các đối tượng thoải mái hoạt động. Trước mắt, bộ phận an ninh mạng, các cơ sở hoạt động tại các thôn xóm cần phân ra một bộ phận trấn áp, cảnh cáo, răn đe, thậm chí xử lý điểm một số đối tượng. Việc này cần làm ngay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền trên diện rộng, khôi phục lại hệ thống loa công cộng để tuyên truyền trực tiếp cho người dân cảnh giác trước tin đồn; các cơ quan báo chí chính thống thường xuyên có các tin bài chống lại tin xấu, tin độc. Các cơ quan có trách nhiệm đầu mối cung cấp thông tin như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Cục quản lý đề điều và cứu hộ, cứu nạn phải thường xuyên cung cấp thông tin chính thống để mọi người cùng cập nhật và yên tâm. Hiện nay, những thông tin từ hai cơ quan này coa phần chậm chạp và thiếu định hướng khi các báo cáo về bão và thiệt hại cập nhật chậm khiến người dân không có nguồn thông tin chính thống về thiệt hại, dễ sa đà vào các thông tin xấu độc.
Bên cạnh nhiều tin tức hay, lan truyền hình ảnh đẹp của các cơ quan chức năng, tình người Việt Nam trong lúc hoạn nạn… thì một số tờ báo, tạp chí đang sa đà quá nhiều vào thông tin phục vụ độc giả đã bị ảnh hưởng bởi tin xấu độc nhằm câu view khiến người dân càng hoang mang. Có tờ tạp chí đăng bài thiếu định hướng, làm trầm trọng thêm tình hình, cổ vũ những suy nghĩ lệch lạc của một số cá nhân đơn lẻ như vậy cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc.
Các Cổng thông tin điện tử của UBND các cấp cần dẫn link của 2 cơ quan trên, thông báo rộng rãi tới người dân để cập nhật. Công khai các khoản, gói cứu trợ cho người dân, cung cấp nơi ăn, chốn ở, có xạc điện thoại, khôi phục hệ thống thông tin liên lạc để người thân ở xa yên tâm về gia đình, tránh đảo lộn xã hội. Trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, thông tin chính thống đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp người dân có những quyết định đúng đắn để bảo vệ bản thân và gia đình.
Trong lúc này, mỗi người dân hãy luôn cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Hơn lúc nào hết, nhân dân và đồng bào cả nước phải đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực của Chính phủ. Sự tin tưởng và đoàn kết đó đã giúp chúng ta đánh bại những kẻ thù mạnh nhất thế giới, xây dựng nên một đất nước Việt Nam hùng cường và nó sẽ giúp chúng ta vượt qua được thử thách, đau thương do cơn siêu bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.