Hội Nông dân Nghệ An:
Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định
Gần 15 nghìn lượt người được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý
Được sự chỉ đạo của cấp trên, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực, chủ động quan tâm tới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân. Các cấp Hội ND trong tỉnh đã chuyển tải tới cán bộ, hội viên nông dân với các hình thức tuyên truyền pháp luật phong phú như: Hội nghị, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt lồng ghép hoặc thông qua đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện, loa truyền thanh xã, xóm, các báo, phát tờ gấp, tờ rơi, bản tin Tiếng nói nhà nông, cổng thông tin điện tử của Hội, trang mạng facebook....
Tổ chức Hội các cấp trong tỉnh đã chú trọng nhiều hơn đến việc tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới tư duy trong sản xuất gắn liền với chấp hành pháp luật, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu, sản xuất nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong năm 2024, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền pháp luật gần 2.800 buổi hơn 161.000 lượt người tham gia, trong đó có 354 buổi với gần 15.000 lượt người tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Nhận thức pháp luật của nông dân được nâng lên, giảm thiểu sự khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên, ý thức cảnh giác, trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong năm hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tham gia tiếp công dân được 2.820 buổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 20 đơn thư khiếu nại, tố cáo; tham gia 697 vụ hòa giải thành chủ yếu ở các chi hội. Trong đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức 36 lớp tập huấn cho 4.855 cán bộ, hội viên, nông dân; 2 hội nghị cho 320 cán bộ, hội viên tham gia, cụ thể như 5 lớp tập huấn “Nông dân với nông sản thực phẩm an toàn” cho 750 cán bộ, hội viên nông dân tại Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành; 2 tập huấn cho 200 hội viên ngư dân Diễn Châu và Cửa Hội trang bị kiến thức sơ cấp cứu và cách xử lý tai nạn trên biển; Tuyên truyền pháp luật về biển đảo, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; 2 lớp tập huấn cho 190 cán bộ, hội viên về Tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình, chính sách mới của tỉnh về công tác Dân số - KHHGĐ; 2 lớp phổ biến Luật HTX 2023, Nghị định thi hành 1 số điều Luật HTX và phát triển Kinh tế hợp tác với 240 cán bộ Hội và thành viên hợp tác xã; 3 lớp tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật cho 375 cán bộ, hội viên, nông dân tại huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn, Yên Thành; 2 lớp tập huấn nội dung Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” cho 300 cán bộ, hội viên, nông dân…
Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng
Để có được kết quả như trên, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã lựa chọn, tập trung tuyên truyền các vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân như chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; các tiêu chí xã chuẩn nông thôn mới, thôn, bản chuẩn nông thôn mới; phổ biến pháp luật như Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thuỷ sản, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, an toàn lao động, dân số, kế hoạch hoá gia đình; tuyên truyền xây dựng, phát triển tổ hợp tác; các quy định pháp luật về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, tuyên truyền phòng chống ma tuý, buôn bán, tàng trử, sử dụng pháo nổ;….
Các cấp Hội trong tỉnh cũng đổi mới, sáng tạo về hình thức tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài việc tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ hội; hội thảo, hội nghị; lồng ghép với tổ chức các sự kiện… thì Hội Nông dân tỉnh còn thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử (hoinongdan.nghean.gov.vn); Cổng thông tin điện tử mở chuyên mục văn bản cung cấp các văn bản mới, văn bản cơ chế chính sách hỗ trợ liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được biên tập lại thành các thông tin ngắn gọn thành sổ tay công tác Hội để cán bộ Hội các cấp cập nhật tuyên truyền, phổ biến lại cho các hội viên nông dân.
Ngoài trang facebook của Hội Nông dân tỉnh, 21 Hội ND huyện và 447 cơ sở Hội đã xây dựng được trang facebook của tổ chức mình nên việc đăng tải tài liệu, thông tin, tin bài của công tác Hội và phong trào nông dân cũng như công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là công việc được thực hiện thường xuyên, duy trì ổn định. Hội ND tỉnh còn xuất bản bản tin Tiếng nói nhà nông 1 tháng/kỳ, gửi đến 21 huyện, thành, thị; 447 cơ sở Hội, trên 3654 chi hội; Kịp thời thông tin đến cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, định hướng hoạt động của Hội; biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào nông dân; đồng thời phản ánh những băn khoăn, lo lắng, kiến nghị đề xuất của nông dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Những hoạt động đó đã góp phần làm chuyển biến nhận thức cho quần chúng nhân dân về ý thức cảnh giác trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong các buổi sinh hoạt, các buổi nói chuyện chuyên đề lồng ghép nội dung chuyên môn của Hội và thông qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương. Song song với việc tuyên truyền là tổ chức nêu gương điển hình người tốt, việc tốt tại các địa phương để nhân rộng điển hình trong toàn tỉnh đã được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tích cực.
Ngoài ra, các cấp Hội ND trong tỉnh còn duy trì hoạt động hiệu quả của các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật. Ở các xã xây dựng CLB nông dân với pháp luật đều bầu Ban Chủ nhiệm CLB, xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động, đồng thời tiến hành tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách của Hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung pháp luật liên quan đến với hội viên, nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhờ vậy, các CLB nông dân với pháp luật đã thực sự là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, thông tin pháp luật để nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử pháp luật của các thành viên làm nòng cốt để phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân. Các thành viên CLB nắm bắt kịp thời những bức xúc của hội viên, nông dân để giúp đỡ họ và phản ánh với cấp trên; phổ biến, tuyên truyền những nội dung văn bản mới, có liên quan đến hội viên, nông dân. Định kỳ tham gia sinh hoạt CLB nông dân với pháp luật của xã; tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vai trò, nội dung hoạt động của CLB để thu hút thêm nhiều hội viên nông dân tham gia sinh hoạt, đưa nội dung pháp luật vào hoạt động của các loại hình CLB khác; tham gia giáo dục cảm hoá những đối tượng chậm tiến, vi phạm pháp luật. Từ đó góp phần cho trật tự an toàn ở nông thôn ổn định, giảm dần hiện tượng nông dân vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của đại bộ phận nông dân được cải thiện.
*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG
- Trà Vinh: Trồng chanh xuất khẩu, nông dân thu nhập 600 - 700 triệu đồng/ha/năm
- Bàn giải pháp phát huy vai trò của Hội Nông dân trong hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng
- Hội Nông dân tỉnh Bình Dương: Hàng loạt chương trình phối hợp, hợp tác được ký kết
- Trái cây Việt Nam áp dụng công nghệ cao tiếp cận các thị trường “khó tính”