Công tác Hội

Cơ hội mới cho trái cây Việt Nam khi áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn Châu Âu

Thanh Phong - 08:00 16/11/2024 GMT+7
Sáng 15/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ giai đoạn 2021-2024.
Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (đứng giữa) chủ trì Hội thảo.

Dự và chủ trì Hội thảo có ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN. Về phía Hà Lan, tham dự hội nghị có bà Igrid Korving, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan; ông Phạm Dũng, đại diện cơ quan tài trợ, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV). Tham gia sự kiện này còn có đại diện các cơ quan đối tác kỹ thuật của dự án và Hội Nông dân 4 tỉnh và nông dân xây dựng mô hình của Dự án.

Các mô hình trình diễn đạt kết quả rất tích cực

Được biết, trong giai đoạn 2021 – 2024, dự án được thực hiện tại 4 tỉnh: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Bình Thuận. Mục tiêu của Dự án nhằm cải thiện vị thế của người nông dân sản xuất thanh long, xoài và bưởi dựa trên áp dụng các công nghệ sáng tạo và bền vững hướng tới thị trường cao cấp và quốc tế.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN phát biểu tại hội thảo.

Trong quá trình thực hiện, Dự án đã kết nối hệ thống đối tác bao gồm nhiều tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, viện nghiên cứu Hà Lan và Việt Nam. Cụ thể, Công ty Eurofins đã xét nghiệm trên 300 mẫu đất cho vùng dự án; Công ty phân bón Yarra đã tài trợ 7.025kg phân bón; Công ty Bayer hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật; Công ty Khang Thịnh hỗ trợ hệ thống tưới tiêu thông minh cho mô hình, hàng trăm ngày công đến từ các đối tác kỹ thuật khác.

Ngoài ra, các đối tác Hà Lan như Công ty Đất, nước, nông nghiệp Hà Lan, Công ty Bureau Leeters, Công ty  RMA, Công ty Eijkelkamp Soil & Water, Công ty LBP đã giới thiệu các giải pháp kỹ thuật sáng tạo và bền vững cho nông dân trồng cây ăn trái tại 4 tỉnh thông qua 65 lớp tập huấn với nhiều hình thức.

Toàn cảnh Hội thảo  tổng kết Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ giai đoạn 2021-2024.

Đánh giá tổng quát về kết quả của Dự án, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN cho biết, dự án hợp tác đã đem lại lợi ích thiết thực cho những người nông dân tham gia về cách làm nông nghiệp khoa học, nông nghiệp chính xác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trái cây, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.Thành công của Dự án sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam với các đối tác là tổ chức, doanh nghiệp Hà Lan trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với ông Đinh Khắc Đính, bà Igrid Korving, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cũng đánh giá cao kết quả đã đạt được và nhận định, sự kiện này không dừng lại với ý nghĩa thành công của Dự án mà còn là cơ hội đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai giữa các đối tác.

“Thông qua Dự án, chúng tôi đã có cách giải quyết những thách thức cản trở ngành trái cây Việt Nam trước các yêu cầu khắt khe của thị trường có giá trị cao. Người nông dân hiện nay cần ý thức rằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn không chỉ là gia tăng năng suất mà còn đòi hỏi sự phát triển bền vững.

Bà Igrid Korving, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan hi vọng khi Dự án kết thúc, cánh cửa hợp tác mới nhiều triển vọng sẽ mở ra.

Các phương pháp canh tác không bền vững như sử dụng quá nhiều chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của trái cây, rút ngắn thời hạn sử dụng của cây trồng. Ngoài ra, việc bảo quản sau thu hoạch không tối ưu và hậu cần nông nghiệp không đầy đủ đã tạo ra thêm nhiều hạn chế cho hoạt động xuất khẩu”, bà Igrid Korving nêu ý kiến.

Báo cáo kết quả Dự án tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho hay, 5 mô hình được xây dựng ở 4 tỉnh được đào tạo tăng cường kiến thức và kỹ thuật tiên tiến. 

Cụ thể, những người tham gia Dự án được tập huấn, cầm tay chỉ việc trong quản lý tưới tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và quản lý chất lượng đất thông qua 65 lớp tập huấn, sự kiện truyền thông cho hơn 2.000 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân, doanh nhân tham dự.

Từ những kiến thức được tiếp cận, hoạt động sản xuất của người dân tại 4 tỉnh đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Điển hình, mô hình xoài của Đồng Tháp đã tăng gấp đôi sản lượng, giảm 30% lượng phân bón; tiết kiệm được 40 triệu đồng tiền chi phí cho phân bón/ha/vụ. Trái xoài được kiểm định cho thấy các chỉ số dư lượng cần kiểm soát ở mức thấp, đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.

Hội viên nông dân mong được tham gia "giai đoạn 2" của dự án

Nêu ý kiến tại Hội thảo, đại diện hội viên, nông dân vùng Dự án mong muốn được hỗ trợ thêm, củng cố kiến thức vững vàng và tìm được thị trường xuất khẩu cho sản phẩm ở các nước có tiêu chuẩn nhập khẩu cao như châu Âu hoặc Mỹ.

Ông Trần Văn Hậu, Phó Chủ tịch HND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua 2 năm thực hiện Dự án, hiệu quả của dự án đã được thể hiện trên 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong đó, ông Hậu nhấn mạnh lợi ích từ việc lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu đất để đưa ra những đánh giá về hiện trạng, khuyến cáo về chuyên môn cho nhà vườn đã mang lại những kết quả tích cực.

Ông Trần Văn Hậu, Phó Chủ tịch HND tỉnh Đồng Tháp

“Kết quả sau khi áp dụng quy trình canh tác của mô hình, lợi nhuận năm 2024 sau khi trừ chi phí đạt trên 354 triệu đồng, tăng hơn 104% so với năm 2023. Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống tưới cũng đã giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí, nhân công, đồng thời kết hợp bón phân qua hệ thống tưới giúp tiết kiệm được phân bón đáng kể và mang lại hiệu quả cao tránh thất thoát phân bón”, ông Hậu thông tin.

Với những kết quả đã đạt được, thay mặt HND tỉnh Đồng Tháp, ông Hậu đề nghị Ban Quản lý dự án, các đơn vị tài trợ, đối tác dự án tiếp tục quan tâm hỗ trợ xem xét đầu tư giai đoạn 2 cho dự án.

Cụ thể, các nội dung của giai đoạn tới, HND tỉnh Đồng Tháp mong muốn đẩy mạnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lợi ích từ việc lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu đất để đưa ra những đánh giá về hiện trạng, khuyến cáo về chuyên môn.

“Chúng tôi mong muốn Dự án tiếp tục mở rộng đầu tư nhân rộng mô hình điểm trên địa bàn thành phố Cao Lãnh; hình thành vùng nguyên liệu an toàn, đảm bảo số lượng chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; đào tạo nâng cao năng lực cho nhóm nông dân nòng cốt, các hợp tác xã trồng xoài và một số nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp về xây dựng và nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu; năng lực tiếp cận thị trường; bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để tăng giá trị; chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất” - ông Hậu nêu đề xuất.

Ông Huỳnh Thanh Dũng (ấp 4, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre) là một trong hai nông dân được chọn làm điểm trình diễn xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ đồng hành của dự án: Vật tư phân bón của Yara, thuốc bảo vệ thực vật của Công ty Bayer, phân tích đất của Eurofins.

Nông dân Huỳnh Thanh Dũng (ấp 4, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre) phát biểu tại Hội nghị.

Chia sẻ ngắn gọn tại hội thảo ông Dũng cho biết, bản thân đã có kinh nghiệm trồng bưởi da xanh gần 30 năm. Tuy nhiên, sau khi tham gia dự án, đất trồng được đi xét nghiệm và làm theo hướng dẫn khuyến cáo chuyên gia, năng suất và chất lượng vườn bưởi đã thay đổi rõ rệt. Bản thân ông Dũng đã chủ động điều tiết cho bưởi ra hoa, kết trái gối vụ quanh năm, nên gần như thời gian nào cũng có bưởi để bán ra thị trường. Một trong những điểm mà ông thấy rất thích thú là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được cung cấp từ Dự án diệt được sâu bệnh rất tốt, nhưng lại bảo vệ được con kiến vàng - loại côn trùng có ích cho cây bưởi.

"Trung bình các năm trước, tôi chỉ thu hoạch được 3 tấn, sau khi tham gia Dự án này, năng suất đã lên mức 5 tấn, trái bưởi cũng xanh đẹp hơn. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình để các hộ nông dân khác cũng có được kết quả tốt như vậy".

Ông Huỳnh Thanh Dũng - Nông dân trồng bưởi tỉnh Bến Tre.

 Tham luận gửi tới hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc HND tỉnh Long An đánh giá cao kết quả nông dân tham gia dự án được tiếp cận nhiều kiến thức mới từ các chuyên gia.

Mô hình trình diễn cho thấy vườn cây thanh long phát triển tốt đạt kết quả về năng suất tương đối vượt trội do sử dụng các sản phẩm đạt chất lượng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bệnh cạnh đó, việc áp dụng hệ thống tưới cũng đã giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công rất nhiều đồng thời kết hợp bón phân qua hệ thống tưới giúp tiết kiệm được phân bón đáng kể và mang lại hiệu quả cao tránh thất thoát phân bón. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, các loại sản phẩm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc Dự án chưa phổ biến ở Việt Nam, dẫn tới tình trạng khó khăn nếu muốn mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Hiếu đề nghị Ban Quản lý dự án cùng với các đối tác hỗ trợ tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong nước thu mua ổn định và giá cao hơn thị trường nếu kết quả sản xuất của nông dân đạt kết quả; đồng thời nhân rộng triển khai việc phân tích mẫu đất trên tất cả các loại cây trồng đặc biệt là trên đất sản xuất lúa, chanh, thanh long để giúp nông dân Long An sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ký thỏa thuận hợp tác, mở thêm cơ hội cho nông sản Việt Nam

Cũng tại sự kiện, trước sự chứng kiến của các đại biểu, Trung tâm Môi trường Nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về Giới thiệu và cung cấp các giải pháp phân tích, đánh giá đất, nông sản, phân bón, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, giai đoạn 2025 – 2028.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức mỗi năm từ 10 - 15 hội nghị tuyên truyền, tư vấn về ý nghĩa, vai trò, tác dụng và kỹ thuật về phân tích, đánh giá đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và chất lượng nông sản cho cán bộ, hội viên nông dân.

Đồng thời, cũng trong phạm vi của thỏa thuận, đối tác giới thiệu các giải pháp nâng cao chất lượng phân tích, đánh giá đất, nông sản, phân bón cho cán bộ Hội Nông dân các cấp; các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn.

Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác.

Ngoài ra, hai bên sẽ tổ chức và hướng dẫn thu thập mẫu đất, nông sản, phân bón để phân tích đánh giá; cung cấp dịch vụ phân tích đánh giá đất, nông sản, phân bón và khuyến cáo phân bón cho cây trồng cho hội viên nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; hỗ trợ chuyên môn, xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng các sản phẩm phân bón (hữu cơ, vi sinh…) vào sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đính đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam thực hiện ở 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Bình Thuận, và nhấn mạnh rằng kết quả này chỉ phát huy ý nghĩa khi 5 mô hình mà Dự án tổng kết được tiếp tục duy trì, lan tỏa phát triển bền vững trong thời gian tới.

“Tôi đề nghị trên cơ sở tổng kết Dự án hôm nay và các chi, tổ hội đã thành lập, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng, nâng cao chất lượng trái cây, qua đó, góp phần thực hiện  Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN đề nghị Hội Nông dân các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Bình Thuận thông qua những kết quả đạt được tăng cường tham mưu cho cấp ủy, UBND các địa phương phối hợp tham gia dự án trong thời gian tới.

Thông qua đó, Dự án sẽ nhận được hỗ trợ nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động, nhân rộng mô hình về nâng cao chất lượng trái cây trên địa bàn tỉnh. Từ các chi tổ hội đã thành lập trong các mô hình của Dự án, các cấp Hội tiếp tục xây dựng để thành lập các tổ hợp tác, HTX trái cây chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cũng đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông, Báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới, website của các cấp Hội tăng cường truyền thông về kết quả, ý nghĩa các cơ hội mới từ Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam. Thông qua đó, góp phần thay đổi, nâng cao kiến thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc nâng cao chất lượng trái cây nói riêng, sản phẩm sản xuất nông nghiệp nói chung để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tìm được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, từ đó nâng cao chất lượng sống, giúp nông dân làm giàu và xóa nghèo bền vững./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác