Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
Xuất phát từ thực tế nhiều hội viên, nông dân ái ngại trước mỗi hoạt động của Hội bắt đầu triển khai, phần vì chưa hiểu rõ, phần vì tâm lí e dè trước cái mới, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Thịnh Sơn chủ động đi đầu, làm gương trong các hoạt động, phong trào của Hội.
Một trong những hoạt động hiệu quả cao của HND xã được ghi nhận phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân “xử lý rác thải góp phần nỗ lực giảm thải khí nhà kính”, mô hình “ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm sinh học và “phân loại xử lý rác thải tại nguồn”… Đây là một trong những hoạt động nổi bật của Hội được cấp trên đánh giá cao góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.
Để phong trào được lan tỏa và ghi nhận, trước hết phải kể đến vai trò tiên phong của anh Lê Văn Dũng - Chủ tịch HND xã. Trước khi phát động tới cán bộ, hội viên nông dân, người cán bộ Hội đã tự mình mày mò thực hiện đến lúc kết quả thành công mới bắt đầu đi vận động cán bộ, hội viên cùng sát cánh với mình thử thách việc làm mới. Chỉ tính riêng gia đình Chủ tịch HND xã mỗi năm bình quân sản xuất hơn 2 tấn phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Đây chính là con số thực để khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh Dũng, nhằm chứng minh cho hoạt động này có ý nghĩa tích cực đối với phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Quá trình đưa các nội dung của phong trào này đến với người dân thực sự là cả một quá trình đầy khó khăn thử thách bởi “lúc đó họ còn chưa hiểu rõ lợi ích từ việc “ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm sinh học” - anh Dũng cho hay "Tình trạng người dân thường xuyên đốt rơm rạ sau mỗi mùa vụ vừa lãng phí tài nguyên vừa gây hại môi trường đất và không khí. Điều này như càng thôi thúc bản thân tôi “xắn tay” vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu, đề xuất biện pháp mạnh cấm đốt rơm rạ; đồng thời, tạo ra sản phẩm phân vi sinh hữu ích trong sản xuất nông nghiệp”.
Với vai trò là Chủ tịch HND xã, anh Dũng thể hiện phong cách làm việc khoa học, sáng tạo, tỉ mỉ, tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm cao trong mọi việc, sẵn sàng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện mô hình. Bước đầu, phần việc này không thuận lợi, nhưng anh xác định việc quan trọng, cần thiết phải cho hội viên nông dân thấy được hiệu quả, làm nền khơi dậy bản chất lao động cần mẫn, sáng tạo của họ. Bằng mọi biện pháp, anh vận động người dân thực hiện mô hình “ủ phân hữu cơ bằng phế phụ phẩm sinh học”, rồi “phân loại rác thải tại nguồn” ngay từ chính kinh nghiệm mà bản thân anh đã làm thành công.
Ma dầm thấm lâu, đến nay, trên địa bàn các xóm của xã Thịnh Sơn đã có 100% số hộ gia đình thực hiện được mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phân loại rác thải. Giờ đây, các gia đình không còn lãng phí tài nguyên vốn có cũng không còn thấy cảnh rác thải không được phân loại hay vứt bừa bãi. Nhân dân đã chủ động tận dụng rơm rạ, bèo tây, cây chuối…. để ủ làm phân bón cho cây trồng vừa sạch môi trường vừa tiết kiệm chi phí sản xuất.
Trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch HND xã Thịnh Sơn trải lòng: “Để "nói cho dân hiểu”, "làm cho dân tin”, trước hết, mình phải là người đi đầu, gương mẫu triển khai, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, khi được phổ biến từ cấp trên về hoạt động này, tôi nhận thấy đây là mô hình đáng để nhân rộng và cần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân”.
Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp là xu thế tiến bộ, vừa làm “sạch" đa chiều, lại vừa nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế cho nhà nông. Chủ trương này đang lan tỏa rộng khắp trên toàn xã Thịnh Sơn nói riêng và nhiều địa phương trong toàn tỉnh Nghệ An nói chung. Trong xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, tình trạng sử dụng phân bón hóa học bừa bãi sẽ dần bị hạn chế và loại bỏ, để thay thế bằng các giải pháp canh tác thân thiện hơn. Cách làm phân bón vi sinh cũng không khó, nhìn chung phù hợp với tiềm lực và nhận thức của số đông nông dân nên chắc chắn sẽ thành công, nhất là khi có người lãnh đạo tâm huyết, miệng nói tay làm và kiên trì thực hiện đến cùng với hội viên nông dân.
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08 –NQ/TU ngày 03/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 623-KH/UBND ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025... Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã nắm bắt, vận dụng xuất sắc chủ trương trong mọi hoạt động để phát huy tối đa vai trò của tổ chức Hội trong “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh”, qua đó tạo đòn bẩy hữu hiệu nâng tầm nông dân trên địa bàn lên một tầm cao mới.
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam
- Biểu dương 62 tập thể và 80 cá nhân là cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Nông dân Tam Sơn trao tặng con giống và trồng tre mét chống xói mòn
- Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, phối hợp trao nhà Đại đoàn kết cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Tây Ninh