Xã hội

Hơn 60 người chết và mất tích do mưa bão, thiệt hại tăng lên từng giờ

Minh Tú - 16:01 09/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Có 66 người chết và mất tích (tăng 7 người chết và mất tích so với báo cáo ngày 07/9), trong đó do bão 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 5 người. Đó là thống kê sơ bộ ban đầu của các tỉnh trong 3 ngày qua kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc gây mưa to gió lớn. Thiệt hại về nhà cửa, mùa màng, cơ sở hạ tầng rất lớn và chưa thể thống kê đầy đủ đến giờ phút này.

Bão số 3 (bão Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn ở các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, gây ra nhiều thiệt hại về con người, tài sản. Còn với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, hậu quả do cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua vẫn đang trong quá trình thống kê, khắc phục hậu quả nhưng những con số thống kê ban đầu là rất lớn.

Bộ đội Sư đoàn 3 cùng lực lượng Công an Lạng Sơn cứu hộ cứu nạn người dân. Ảnh: Trần Khánh Như.

Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại do bão số 3 tính đến ngày 09/9/2024 như sau:

Thiệt hại về người: Có 66 người chết, mất tích (tăng 7 người chết và mất tích so với báo cáo ngày 07/9), trong đó do bão 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 5 người; cụ thể: Lào Cai 6, Quảng Ninh 6 (gồm 1 chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 513, Quân khu 3 và 1 chiến sỹ công an trại giam Quảng Ninh), Hải Phòng 2, Hải Dương 1, Hà Nội 1, Hoà Bình 4, Yên Bái 1, Lạng Sơn 2, Bắc Giang 1, Tuyên Quang 2. Số người bị thương là 247 người (tăng 61 người so với báo cáo ngày 07/9) (trong đó Quảng Ninh 157, Hải Phòng 40, Hải Dương 5, Hà Nội 10, Bắc Giang 4, Bắc Ninh 7, Lạng Sơn 9, Lào Cai 9, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hoà Bình 1, Thanh Hoá 2);

Diện tích lúa bị ngập úng, thiệt hại là 113.593ha lúa, tập trung tại các tỉnh Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha, Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha...;

Có 22.047ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 1.600ha; Nam Định 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.293ha; Hải Dương 2.900ha; Hoà Bình 4.193ha, Lạng Sơn 1.136ha...); 6.887ha cây ăn quả bị hư hại (tăng 1.860ha so với báo cáo ngày 07/9) (tập trung tại Hải Phòng 1.650ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 900ha, Nghệ An 798ha,...); 121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860,...)

Trên 1.500 lồng bè (tăng 384 lồng bè so với báo cáo ngày 07/9) nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...); 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm (tập trung ở Hải Dương 186.000 gia cầm); 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh;

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão và mưa lũ sau bão. Ngay trong sáng 9/9, Thủ tướng đã xuống Hải Phòng, Quảng Ninh trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão.

Thái Bình thiệt hại nặng do bão, miền núi tiếp tục sạt lở, lũ quét

Toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 30 cột điện bị đổ, 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy, 17 trạm biến áp bị sự cố. Về sản xuất nông nghiệp, có 6.000ha lúa mùa bị thiệt hại 30 - 70%, 5.000ha lúa mùa bị thiệt hại trên 70%; có 585ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30 - 70%, 2.760ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng trên 70%... Hiện nay, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp thủy nông vận hành toàn tối đa công suất hệ thống tiêu thoát nước nội đồng để bảo vệ lúa mùa và hoa màu. huyện Đông Hưng có gần 4.000ha lúa mùa bị đổ; 20ha cây màu bị thiệt hại; 52 công trình công cộng bị tốc mái; 20 cột điện và nhiều cây cối bị đổ. Huyện Hưng Hà có hơn 8.000ha đã trỗ bông bị ảnh hưởng; trong đó 2.500ha lúa bị đổ ẹp, diện tích còn lại bị đổ khum, đổ chùm;  trên 1.200ha cây ăn quả bị thiệt hại nặng, 385 ha cây chuối bị gãy đổ; hơn 1.000ha cây màu hè thu đã trồng ở các vùng chuyên màu đã hỏng, dập nát; thiệt hại 2 lồng cá khoảng 8 tấn tại xã Điệp Nông; 14 cột điện cao thế; 65 cột điện hạ thế bị gãy; 3 trạm biến áp bị sự cố; 18km dây dẫn điện phải thay thế; nhiều công trình trường học, nhà ở bị tốc mái…Huyện Quỳnh Phụ, 2.000ha lúa mùa bị ngập; 1.500ha cây màu hè thu bị thiệt hại; hơn 30.000 cây các loại bị gãy đổ; 26 cột điện trung thế, 304 cột điện hạ thế, 1 trạm biến áp tại xã An Vũ bị đổ; trên 1.000 hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình nhà văn hóa xã, thôn, trường học bị tốc mái và bị đổ tường dậu. 

Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn diễn ra trên địa bàn các tỉnh phía Bắc khiến nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh bị sạt lở, ngập nước, giao thông một số nơi bị chia cắt, gián đoạn.

Tại Sơn La, nhiều vị trí tắc đường do sạt lở, ngập nước trên quốc lộ 6C, quốc lộ 32B, quốc lộ 37, quốc lộ 43 đã thông xe sau khi khắc phục, nước rút. Tuy nhiên, tại km22+88 quốc lộ 43 bị sụt ta luy âm mất hoàn toàn nền mặt đường. Giao thông qua khu vực đã bị ùn tắc từ 9h15 ngày 8/9. Các đơn vị đã đào mở rộng nền đường vào ta luy dương với bề rộng đủ một làn xe để thông xe tạm thời… Ngoài ra nhiều tuyến đường tỉnh của Sơn La cũng bị ách tắc do sạt lở, ngập nước với 24 vị trí, hiện còn 15 vị trí chưa thông xe.

Tại Lạng Sơn, đến chiều 8/9, tại km30 quốc lộ 1B vẫn bị ách tắc ở vị trí bị sạt lở nặng ta luy dương. Tại km15+700 quốc lộ 4A ngập sâu 2m gây tắc đường. Quốc lộ 3B bị ngập cục bộ sâu trên 3m tại cầu tràn Vằng Ma (km50+910) và cầu tràn Pắc Dào (km52+390) cũng gây ùn tắc… Tính đến 7 giờ ngày 9.9, mưa bão đã làm 2 người tử vong, 10 người bị thương. Trong đó, 2 người tử vong là ông L.V.L (xã Lâm Sơn, H.Chi Lăng) do bị sạt lở đất làm sập nhà, và ông T.V.Đ (xã Tân Văn, H.Bình Gia) do bơi qua thung lũng nước sâu bị đuối nước.

Cùng với đó, tại Yên Bái, quốc lộ 32 bị sạt lở ta luy âm dài khoảng 15m, cao 3m tại km256+400. Đồng thời sạt lở ta luy dương dài khoảng 5m, rộng 7,5m tại km147+500. Một số vị trí sạt ta luy dương nhỏ, có cây đổ vào nhưng không ảnh hưởng nhiều đến an toàn giao thông. Tính đến 13 giờ 30 phút ngày 9/9, các khu vực ven sông Hồng thuộc thành phố Yên Bái đang bị ngập sâu trong nước, thành phố Yên Bái di dời tạm thời 3.500 hộ gia đình. Trọng điểm các xã, phường: Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Tuy Lộc, Nam Cường. Đặc biệt, các tuyến đường thuộc phường Hồng Hà, xã Tuy Lộc có nơi ngập sâu đến 4m, giao thông hoàn toàn tê liệt.

Tại Hòa Bình, đến chiều 8/9 đã xảy ra sạt lở ta luy dương tại 79 vị trí với tổng khối lượng sạt lở khoảng 14.570m3. Trong đó có 5 vị trí sạt lở ta luy dương đang tắc đường trên tuyến đường tỉnh 433 (mới lưu thông được từ TP Hòa Bình đến km77+010). Có 10 vị trí ngầm tràn bị nước ngập sâu từ 0,3 - 1m gây tắc đường; km5+400 đường tỉnh 437 (xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) bị nước ngập mặt đường khoảng 0,4m nên xe không lưu thông được…

Tại Điện Biên, hai tuyến quốc lộ 4H và 279C xảy ra sạt lở ta luy dương làm bùn đất tràn lấp toàn bộ mặt đường, gây ách tắc cục bộ. Các đơn vị đã khắc phục để thông xe một làn vào sáng 8/9 và tiếp tục xử lý.

Mưa lớn tại Lào Cai làm sạt lở ta luy dương quốc lộ 4D qua thị xã Sa Pa với khối lượng khoảng 350m3, hiện đã được xử lý. Vào hồi 4:00, mưa lớn đã gây sạt lở tại xã Mường Hoa, Sapa vùi lấp 4 nhà dân khiến 6 người chết (có hai trẻ em) 9 người bị thương. Còn tại địa bàn thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai), vào hồi 2 giờ 30 phút sáng 9-9, đã xảy ra sạt lở đất làm vùi lấp 4 hộ dân; 2 hộ dân đã kịp sơ tán trước, 7 người mất tích.

Liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất khiến nhiều người dân chết và mất tích tại Lào Cai

Tại km135+400 quốc lộ 4D thuộc địa phận xã Cốc San, TP Lào Cai mưa lớn làm nước suối dâng cao ngập đường sâu trung bình 0,5m gây tắc đường cục bộ. Các đơn vị liên quan cảnh báo, phân luồng cho xe đi vào đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa. Tương tự tại quốc lộ 279 đoạn ngầm Dương Quỳ (xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn) bị nước dâng ngập sâu trung bình 0,5m, lắp đặt rào chắn, cấm đường. Có hai ngầm tràn tại km18 đường tỉnh 151 và tại km43+100 đường tỉnh 152 bị nước ngập phải cấm đường, cử người trực gác. Hiện nay Lào Cai mất điện trên diện rộng trong khi nước sông đang dâng nhanh, gây ngập trên nhiều tuyến phố.

Tại Cao Bằng, 4 giờ ngày 9/9 tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông, sạt lở đất đã khiến cháu T.C.C (sinh năm 2020 bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu). Có 3 người khác bị thương do sạt lở đất là cháu Vừ Thị L. (năm sinh 2017, thường trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc) và 2 người chưa xác định được danh tính, cùng trú tại xóm Lũng Súng (xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình). Cũng trong ngày 9/9, tại xã Ca Thành, H.Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng xảy ra sạt lở đất. Một chiếc xe khách của nhà xe Việt Trang được cho là chở theo khoảng 20 người, bị đất tràn xuống, rơi xuống suối. Đến 17:00 lực lượng cứu hộ mới vớt được 4 thi thể được cho là hành khách đi xe. 

Tại Thanh Hóa, quốc lộ 15 bị sạt ta luy dương, đá lăn, đất lấp mặt đường hơn 16 vị trí, khối lượng khoảng 2.465m3 đã được thông xe.

Cầu Phong Châu dài 375,36m, bắc qua địa phận huyện Lâm Thao và huyện Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ đã bị sập.

Tại Phú Thọ, cầu Phong Châu dài 375,36m, khánh thành năm 1995, bắc qua địa phận huyện Lâm Thao và huyện Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ đã bị sập. Tại thời điểm sập cầu, theo thông tin ban đầu, có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi. Hiện cơ quan chức năng đã cứu được 4/13 người bị nước cuốn trôi, 9 người đang mất tích.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác