8.000 ha lúa chín ở Thừa Thiên Huế gãy đổ, ngập úng vì mưa lớn
Các huyện bị thiệt hại nặng gồm Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế. Một số diện tích lúa ở vùng thấp trũng bị ngập úng, hư hại. Đây là lần thứ 2 vụ luá Đông- Xuân năm nay tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập úng, ngã đổ hư hại do mưa lớn.
Mưa lớn trong hai ngày qua làm nhiều diện tích lúa ở Thừa Thiên Huế đổ ngã.
Trước đó, trận mưa lớn bất thường dài ngày diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua làm hàng nghìn ha lúa đang kỳ làm đòng ở tỉnh này bị ngã đổ, ngập úng. Lúa vừa mới hồi phục đang chuẩn bị thu hoạch thì lại gặp trận mưa gây thiệt hại nặng. Nông dân đang đối diện với vụ mùa thất thu, nguy cơ mất trắng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa công suất các trạm bơm và sử dụng máy bơm lưu động tập trung tiêu úng, thoát nước nhanh tại những vùng sản xuất lúa Đông- Xuân bị ngập úng, đổ ngã. Đối với diện tích lúa đã chín ở nơi cao đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi thời tiết tạnh ráo. Sau khi thu hoạch lúa Đông- Xuân, các địa phương triển khai gieo cấy lúa vụ hè thu.
Nhiều diện tích lúa đang chín bị đổ ngã.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đối với đợt này thì những diện tích đã chín và vào chắc xanh hầu như bị đổ ngã. Ảnh hưởng đến năng suất thì không lớn nhưng nó ảnh hưởng đến khâu thu hoạch và đặc biệt nếu như nắng lên, thu hoạch không kịp, đấu úng không kịp thời thì lúa sẽ nảy mầm trên ruộng, ảnh hưởng đến năng suất cho bà con nông dân. Vì vậy, các địa phương tập trung đấu úng một cách nhanh nhất và huy động mọi nguồn lực để sớm thu hoạch những diện tích đã chín”. để tránh lũ tiểu mãn.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi