Nông dân Đồng Tháp chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ
131.000 hộ nông dân cam kết sản xuất nông sản an toàn
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện nay nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nông nghiệp xanh.
Tỉnh cũng khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để cung cấp gạo chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Việc chuyển đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn thể hiện sự thay đổi tư duy của người nông dân trong việc tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm hiện nay tỉnh có hơn 131.000 hộ nông dân cam kết sản xuất nông sản an toàn. Mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” cũng đang được nhân rộng. Sản xuất lúa hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm sạch và an toàn. Nhận thức được điều này, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã mạnh dạn chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang sản xuất lúa hữu cơ.
Điển hình như huyện Tháp Mười hiện có hơn 300ha lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ. Đa số cây lúa phát triển tốt, giảm lượng thuốc phun xịt, ít sâu bệnh hơn so với lúa vô cơ. Việc sản xuất lúa hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Ông Trần Thanh Tới, một nông dân ở huyện Tháp Mười, chia sẻ: “Sản xuất lúa bằng phân bón hữu cơ làm đất tươi xốp, đất mềm hơn, giúp máy xới chạy nhẹ hơn; lúa của tôi đạt năng suất 7 tấn/ha, chi phí giảm hơn 3,5 - 4 triệu đồng/ha so với sản xuất bón phân vô cơ”.
Năng suất lúa hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Tại huyện Tam Nông, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ ở xã An Long cũng thực hiện sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Năm 2020, dự án sản xuất lúa hữu cơ được triển khai trên diện tích 5ha với 4 hộ dân tham gia. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Quế Lâm trong việc tập huấn kỹ thuật canh tác, đến nay cánh đồng lúa hữu cơ đã mở rộng lên hơn 20 ha với 8 thành viên tham gia.
Ông Phan Hoàng Em, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ chia sẻ: “Việc sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cây lúa khi chín không bị vàng lá, hạt gạo tròn đẹp, năng suất cao”. Ông Chung Văn Mướt, thành viên HTX, cũng cho biết: “Chi phí vật tư giảm, chất lượng lúa tốt; năng suất bình quân tăng từ 10 - 15% so với phương thức sản xuất cũ”.
Mô hình lúa hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường đất, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp. Ông Mai Thanh Liêm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ, cho biết: “Trong suốt quá trình canh tác lúa hữu cơ tại HTX, Tập đoàn Quế Lâm cử cán bộ kết hợp với HTX đến từng địa bàn giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình, đảm bảo các yêu cầu”.
Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã An Long, đánh giá cao mô hình này: “Mô hình góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng”.
Thành công của mô hình lúa hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ là minh chứng cho hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn có mô hình “Cánh đồng liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị” tại hai xã Thường Phước 1 và Thường Lạc, huyện Hồng Ngự. Vụ Hè Thu năm 2024, mô hình này được áp dụng trên diện tích 400ha với sự tham gia của hơn 200 hộ nông dân.
Điểm nổi bật của mô hình là sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nông dân giảm chi phí và tăng thu nhập. Cụ thể, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ liên kết với doanh nghiệp, nông dân được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đặt ra mục tiêu phát triển ngành lúa gạo bền vững trong năm 2025. Theo đó, tỉnh mong muốn đạt diện tích gieo trồng 495.500ha, sản lượng trên 3 triệu tấn. Đồng thời, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, với 50.000ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, 605ha lúa hữu cơ và trên 42.000ha lúa được cấp mã số vùng trồng.
Để đạt được các mục tiêu này, Đồng Tháp tập trung phát triển vùng sản xuất lúa tập trung, ứng dụng đồng bộ các giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến và công nghệ thông minh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng truy xuất nguồn gốc và phát triển chuỗi giá trị trên cây lúa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân