Bạc liêu:
Xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân; để nông thôn thực sự là miền quê đáng sống
Từ nền nông nghiệp lạc hậu, chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, nông nghiệp Bạc Liêu đã phát triển vượt bậc với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao. Là ngành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nông nghiệp Bạc Liêu đã hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu có sản lượng lúa lên đến trên 1,2 triệu tấn với hơn trên 80.000ha diện tích sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao. Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 34.487,229 tỷ đồng, tăng 7,24% so cùng kỳ, tỉnh Bạc Liêu xếp thứ 5/13 tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông nghiệp chiếm 40,14% trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, bình quân đầu người ước đạt 66,41 triệu đồng/người/năm. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, đạt kết quả tích cực, từng bước ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, sản lượng nhất là 2 đối tượng chủ lực (lúa và tôm) liên tục tăng và giá trị được nâng lên đáng kể, đời sống nông dân được cải thiện.
Về xây dựng nông thôn mới: Huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; 78 ấp được công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay có 131 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 98 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Trong định hướng phát triển, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp - nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đổi thay vượt bậc.
Xác định nông dân đóng vai trò chủ thể cho phát triển tam nông cũng như quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng NTM, trong những năm qua, Hội Nông dân (HND) và các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã phát động nhiều phong trào thi đua trong nông dân, nhất là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi. Giải quyết được bài toàn nâng cao thu nhập cho nông dân không chỉ góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đề ra mà còn xây dựng được nền tảng cho quá trình hiện đại hóa nông thôn, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Năm qua, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 70.480 hộ nông dân đăng ký phấn đấu SXKD giỏi các cấp và đến cuối năm bình xét có hơn 41.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt 103% so với chỉ tiêu. Trong đó, có nhiều nông dân đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giúp tăng thu nhập và giải quyết việc làm.
Nhận định việc thu nhập thiếu bền vững khiến nhiều nông dân phải ly hương để mưu sinh chính là nỗi trăn trở của các cấp Hội ND trong tỉnh khi khu vực nông thôn mất đi nguồn lực chính trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. HND các cấp tại tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, thực hiện nhiều chương trình, dự án để giúp nông dân tăng thu nhập. Đồng thời kết nối với các tổ chức tín dụng để tăng cường đầu tư vốn cho nông dân.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng NN&PTNT đầu tư hơn 166,28 tỷ đồng cho nông dân vay phát triển sản xuất; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm… với tổng dư nợ hơn 850 tỷ đồng.
Bên cạnh đầu tư tín dụng, HND tỉnh Bạc Liêu còn phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức đào tạo nghề cho nông dân với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, thu hút nhiều lao động trẻ là nông dân tham gia, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho nông dân.
Hội ND tỉnh Bạc Liêu còn phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ nông dân đẩy mạnh việc quảng bá và tiêu thụ nông phẩm của địa phương. Cụ thể, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và hỗ trợ nông dân tham gia sản phẩm đạt chất lượng OCOP; chỉ đạo và hướng dẫn thành lập các trang Fanpage của tổ chức Hội các cấp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc Fanpage nông sản sạch Bạc Liêu.
Đồng thời, phối hợp triển khai đến cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu và kết nối trên 20 loại sản phẩm nông sản cho nông dân… Từ đó, giúp nông sản Bạc Liêu được quảng bá trên nhiều mạng xã hội, bảo đảm tiếp cận được nhiều thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm của địa phương.
Trong năm qua, các cấp HND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 23 lớp tập huấn về phương pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm và cách tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội cho hơn 2.300 lượt nông dân tham gia. Hỗ trợ tiêu thụ hơn 61 tấn nông sản, thủy hải sản các loại và tham gia trưng bày, giới thiệu 21 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong tuần lễ xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh.
Thời gian tới, HND tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn ủy thác được ưu tiên cho các mô hình mới, hiệu quả, phù hợp với từng vùng, địa phương và bám theo quy hoạch, định hướng tập trung phát triển của tỉnh.
Đánh giá về ngành Nông nghiệp, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong phát triển của kinh tế, vì vậy ngành Nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao và phát triển bền vững.
Trong xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp cần xác định, mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân nông thôn; xây dựng nông thôn thành những làng quê đáng sống. Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung chế biến, quảng bá, nâng cao giá trị hạt muối Bạc Liêu và xem đây là một mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong định hướng phát triển, để không chỉ giúp diêm dân có thu nhập ổn định, mà còn tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược
- Thanh Hoá: Tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm cho cán bộ, hội viên nông dân
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam