Đưa pháp luật vào đời sống bà con dân tộc vùng cao
Bài 1: Những “cầu nối” tại bản, làng vùng cao
Để pháp luật thêm gần với bà con dân tộc vùng cao
Xã Chiềng Tương là xã vùng III, vùng cao, có đường biên giới dài 21,3km tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Xã gồm có 9 bản, hơn 1.000 hộ dân và hơn 5.300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Với đặc thù địa hình nhiều đồi núi, đất dốc, dân bản ở rải rác trên diện tích rộng… nên công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân tại đây cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo lời chỉ dẫn của ông Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương, chúng tôi đến với bản Pa Kha II, là bản có nhiều mô hình kinh tế phát triển của xã. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đường vào bản đã được cứng hóa, hai bên đường rực rỡ sắc hoa và màu xanh của vườn tược, cây trái.
Sự bình yên và phát triển của bản Pa Kha II ngày hôm nay là thành quả của sự chung tay từ cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trong bản. Trong đó, phải kể đến vai trò “cầu nối” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của người có uy tín trong bản Pa Kha II như ông Giàng Lao Khay.
Như thường lệ, sau cả một ngày bận rộn trên vườn mận và chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm trong nhà; ông Giàng Lao Khay - người có uy tín ở bản Pa Kha II lại dành thời gian để tìm đọc, nghe những tin tức thời sự trong ngày. Ông Giàng Lau Khay bảo, đây là một cách để ông biết thêm những thông tin mới về chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có hiểu biết, ông mới có thể nói cho bà con hiểu và áp dụng vào thực tế.
Không phụ cấp, không chức sắc, nhưng nếu trong bản có nhà xảy ra tranh chấp, cãi vã, ông Khay sẵn sàng đi khuyên giải, vận động bà con. Có những lần hòa giải kéo dài và khá căng thẳng nhưng ông Khay vẫn không từ bỏ.
“Là bà con cùng bản, hàng xóm láng giềng, tôi luôn muốn đảm bảo cái lý nhưng cũng phải giữ chữ tình. Trong quá trình hòa giải, tôi cũng thuyết phục bà con tập trung vào phát triển kinh tế. Tôi thấy nhiều điều chưa hay, chưa hợp lý xảy ra cũng do bà con chưa đủ no ấm. Nhưng cũng phải thấy, bản làng có bình yên, nhà nhà êm ấm thì bà con mới yên tâm sản xuất, mới no đủ được”, ông Khay chia sẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của hiểu biết pháp luật, ông Khay cũng chủ động vận động bà con tham gia các buổi tuyên truyền của xã, huyện về Luật Căn cước, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh… Đây là cơ sở để thực hiện đúng các quy định pháp luật, nắm được những điều luật mới, sửa đổi, gắn chặt với thực tế địa phương, từ đó, bảo vệ các quyền lợi của mình.
Ông Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: “Với địa hình nhiều đồi núi, đất dốc, người dân chủ yếu là người dân tộc như xã Chiềng Tương, vai trò tuyên truyền pháp luật của Ban quản lý bản và những người có uy tín trong bản rất quan trọng. Những người có uy tín, chức sắc trong bản như ông Giàng Lao Khay luôn là những người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực đóng góp ý kiến cho cấp ủy, chính quyền các cấp để xây dựng Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc. Họ chính là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn xã.”
“Muốn bảo được nhau thì mình phải làm gương trước”
Tạm biệt ông Giàng Lao Khay và xã Chiềng Tương, chúng tôi đến với bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, để gặp ông Tráng A Cao, người đã từng có nhiều năm đảm nhiệm vai trò trưởng bản, Bí thư chi bộ bản, nay là Phó Bí thư chi bộ bản Hua Tạt.
Được biết, bản Hua Tạt hiện có 170 hộ dân thuộc 4 dòng họ: Tráng, Giàng, Sồng, Vàng. Người dân trong bản chủ yếu là dân tộc Mông, làm kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch.
Ở độ tuổi đã ngoài 50, ông Tráng A Cao vẫn nhanh nhẹn, dáng người cao to, khỏe mạnh. Trước hiên nhà, ông Cao còn treo và lưu giữ nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của xã, huyện, tỉnh. Đây là niềm vinh dự của người đảng viên sau nhiều năm cống hiến, phấn đấu dựng xây bản Hua Tạt bình yên, giàu đẹp.
Kể về kỷ niệm những ngày đầu làm bí thư, trưởng bản, ông Tráng A Cao xúc động: “Tôi làm trưởng bản từ năm 26 tuổi. Năm đó, tôi cũng là người nông dân “chân đất”, chưa được học cao, bà con trong bản trình độ văn hóa còn thấp, vẫn chưa hiểu rõ về cái hại của thuốc phiện”.
Những năm đầu thập niên 90, cái nghèo, cái đói và cây thuốc phiện đã “bám rễ” sâu vào cuộc sống của người dân bản Hua Tạt. Bà con quen sống dựa vào cây thuốc phiện, lấy nhựa thuốc phiện đi bán để đổi lương thực. Trong bản, hiếm có trai tráng nào không nghiện thuốc, bố của ông Tráng A Cao, là cụ Tráng A Páo cũng nghiện thuốc phiện. Cán bộ trên xã, huyện đã nhiều lần vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, nhưng cứ được một thời gian là “đâu lại vào đấy”.
“Ngày ấy, trên bản chúng tôi, cái khó nhất là làm sao để bà con không tái trồng cây thuốc phiện. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tôi đã phối hợp với các anh, chị cán bộ đến từng nhà, gõ từng cửa vận động bà con từ bỏ thói quen sử dụng thuốc phiện, từ bỏ cây thuốc phiện, trồng cây trái khác để đảm bảo sinh kế…”
Theo lời ông Cao, ngày ấy, để bà con nghe theo mà bỏ dần cây thuốc phiện, ông Cao lựa chọn đối tượng vận động trước tiên là từ các cụ trong nhà, trong dòng họ. Khi người cao tuổi, người có uy tín trong nhà đã thông, đã ủng hộ thì tiếng nói của chi bộ, của bản, cũng như của ông Cao hiệu quả hơn nhiều lần. Gia đình ông Cao đi đầu trong phá bỏ cây thuốc phiện, chủ động chuyển hướng sản xuất sang trồng cây đào, cây mận hậu… để tạo thu nhập cho gia đình.
Vạn sự khởi đầu nan, những năm đầu, gia đình ông cũng thiếu thốn trăm bề, có những lúc rơi vào cảnh cùng cực. Nhưng quyết tâm phá bỏ cái xấu lớn hơn cái khổ lúc bấy giờ. “Muốn nhà khác làm theo thì phải cho họ thấy là nhà mình cũng làm được đã. Muốn bảo được nhau thì nhà mình phải làm gương trước chứ”, ông Cao tâm sự.
Dần dần, “trái ngọt” cũng về với ông Tráng A Cao. Từ hộ thiếu đói, nhà ông dần đủ no, rồi trở thành hộ khá giả trong bản Hua Tạt. Trên mảnh đất ngày xưa trồng hoa anh túc, giờ chỉ còn những giống cây mới, có giá trị kinh tế cao như cây bơ, cây cam, cây bưởi, cây hồng…
Đã có tiền lệ, từ nhà ra bản, ông Cao tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện để tập trung làm kinh tế. Thấm thía khó khăn trong những năm đầu chuyển đổi nên nhà ai có gì chưa hiểu, ông sẵn sàng giải đáp. Thấy gia đình ông Tráng A Cao không trồng cây thuốc phiện mà vẫn đủ ăn, lại càng thêm no ấm, khỏe mạnh, các hộ trong bản cũng dần dần từ bỏ, không trồng cây thuốc phiện nữa. Nạn tái trồng cây thuốc phiện nhờ thế mà từng bước chấm dứt tại bản Hua Tạt. Tệ nạn nghiện hút chất ma túy cũng vì thế mà giảm rất nhanh, nhiều người đã cai được thuốc phiện.
Song song với công tác vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ cây thuốc phiện, trong những năm qua, ông Cao cùng Chi ủy, Ban quản lý bản Hua Tạt vận động bà con chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Cùng với những người có uy tín, trưởng dòng họ trong bản, ông Cao tích cực tham gia tuyên truyền các thành viên trong gia đình những nội dung quan trọng gắn với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bổ sung, sửa đổi nội dung quy ước, hương ước, tuyên truyền để bà con không thách cưới, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan…
Theo báo cáo về công tác dân tộc của tỉnh Sơn La, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu sổ. Phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân, đội ngũ người có uy tín đã và đang trở thành nhân tố tích cực trong công tác dân tộc nói chung và công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc vùng cao nói riêng.
Cùng với đội ngũ ban quản lý bản, người có uy tín, đội ngũ tuyên truyền viên cũng là nguồn nhân lực quan trọng để đưa công tác phổ biến giáo dục đi vào nề nếp, thực chất, hiệu quả.
(Còn tiếp)
- Bài 2: Phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật
- Vụ bứng cây tạo “cảnh trời Âu” ra khỏi rừng ở Quảng Trị: Đã rõ đơn vị chịu trách nhiệm!
- Xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ
- Công an vào cuộc vụ "Người dân "ngậm trái đắng" vì hội thảo bán hàng, cơ quan chức năng địa phương không hay"