An ninh nông thôn

Đưa pháp luật vào đời sống bà con dân tộc vùng cao

Bài cuối: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật

Kiều Thanh Tâm - 07:26 07/12/2024 GMT+7
Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật gắn với đời sống bà con các dân tộc thiểu số, qua đó, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đa dạng hình thức tuyên truyền để đưa pháp luật đến gần dân

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La với đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, để đưa pháp luật đến gần hơn với bà con các dân tộc, huyện đã tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật qua nhiều hình thức. Các chủ trương, chính sách, pháp luật được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thông qua hình thức phong phú, sinh động, từ cán bộ đến người dân. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong năm 2024, Bắc Yên đã tổ chức 22 hội nghị tập huấn triển khai hướng dẫn thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng. Các buổi hội nghị tuyên truyền, tập huấn được tổ chức tập trung vào những nội dung như: hướng dẫn, nâng cao năng lực triển khai mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng; kỹ thuật tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản; thành lập, vận hành hoạt động, quản lý câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi với tổng số 930 người tham gia…

Đi vào thực tiễn, nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai tại các xã, thị trấn. Người dân được tiếp cận với chính sách, pháp luật qua nhiều kênh như Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản; Địa chỉ tin cậy cộng đồng tại 3 xã Chim Vàn, Tà Xùa, Hua Nhàn; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại các trường THCS... 

Cùng với đó, huyện Bắc Yên đã tổ chức thành công 9 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; 7 hội nghị tập huấn kỹ năng, kiến thức phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào cho 316 đại biểu là bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, trưởng bản, ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội bản, người có uy tín bản tiểu khu…

phổ biến, giáo dục pháp luật 1
Để đưa pháp luật vào đời sống bà con dân tộc vùng cao, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai qua bằng hình thức phong phú, sinh động. Ảnh: Văn Ngọc.

Từ những hoạt động tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiểu biết của bà con các dân tộc tại huyện Bắc Yên về chủ trương, chính sách, pháp luật được cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự của địa phương được đảm bảo. Ông Hoàng Văn Quyền, trưởng bản, Bí thư chi bộ bản Chanh, xã Song Pe, huyện Bắc Yên đã cảm nhận rõ được những đổi thay này.

Bản Chanh hiện có 143 hộ, 604 nhân khẩu với 2 dân tộc Mường, Thái, chủ yếu là người dân tộc Mường. Bà con đã sinh sống ở đây nhiều đời, nguồn thu nhập đến từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con có ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Bản chúng tôi không có nạn tảo hôn, không có trường hợp vi phạm pháp luật”, ông Quyền khẳng định.

Theo ông Quyền, Trưởng bản, Ban quản lý bản và người có uy tín trong bản đều đã được phổ biến các chính sách, pháp luật và tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật cho bà con thông qua những buổi tập huấn của xã, huyện. Hàng năm, bản Chanh thường triển khai nội dung tuyên truyền pháp luật kết hợp với các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ.

Ông Quyền bảo: “Mưa dầm thấm lâu, bà con trong bản vừa hiểu biết các văn bản pháp luật, vừa nâng cao ý thức chấp hành. Như Luật Giao thông, giờ không cần nói, đến các cụ trong bản cũng đã chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động… cũng được bà con chủ động tìm hiểu, chấp hành. Nhà ai có tranh cãi, mâu thuẫn Ban quản lý bản và người có uy tín có mặt kịp thời để hòa giải.”

An ninh trật tự được đảm bảo, bà con an tâm làm kinh tế. Bản Chanh phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt được 13/19 tiêu chí. Các hoạt động chung được bà con hưởng ứng tích cực, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. 

phổ biến, giáo dục pháp luật 2
Bà con được tiếp cận với những chủ trương, chính sách, pháp luật thông qua các tuyên truyền viên, tài liệu tuyên truyền, qua kênh phát thanh, truyền hình... Ảnh: Văn Ngọc.

Còn tại huyện Yên Châu (Sơn La), tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền. Tại xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, UBND xã đã áp dụng hình thức tuyên truyền đa dạng, ứng dụng các phương tiện truyền thông đại chúng trong hoạt động phổ biến, giáo dục.

Trên địa bàn xã, các nội dung về pháp luật được truyền tải thông qua nhiều cách thức như thông qua các tuyên truyền viên; phổ biến qua trạm phát thanh, truyền hình xã, bản và các hệ thống thông tin truyền thông; xây dựng tổ sách pháp luật; ứng dụng các nền tảng mạng xã hội; qua sự kiện “Ngày Pháp luật Việt Nam” (09/11)...

Tạo không gian giao lưu học hỏi, nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các bài viết về Pháp luật Việt Nam đã được phổ biến rộng rãi tại địa phương, được cán bộ và người dân hưởng ứng. Những cá nhân, tổ chức có thành tích cao trong cuộc vận động nhân dân không học đạo trái phép, có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền pháp luật được khen thưởng, tôn vinh kịp thời, khuyến khích tinh thần đóng góp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tại cơ sở, mô hình Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên được được nhân rộng. Chiềng Tương tiếp tục phát huy, huy động đội ngũ luật sư, luật gia, thẩm phán, người hiểu biết pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng nâng cao, qua đó, tư vấn và giải quyết kịp thời các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong nội bộ dân cư trong bản, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng. 

Nội dung tuyên truyền pháp luật gắn với yêu cầu thực tiễn đời sống

Sốp Cộp là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, có đường biên giới giáp với 3 huyện của nước bạn Lào. Huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, 101 bản; trong đó, có 2 xã khu vực I, 6 xã khu vực III, 79 bản và 2 điểm dân cư đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có khoảng 11.800 hộ, hơn 54.400 nhân khẩu, với 6 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, 97% dân số là dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Sốp Cộp là 46,5%. 

Hiện nay, tại huyện Sốp Cộp, ngoài tình trạng xuất cảnh trái pháp luật, di cư tự do, xâm canh xâm cư trái phép; hoạt động học và truyền đạo đang diễn biến phức tạp với hiện tượng “ nhảy đạo” và sự xuất hiện của tà đạo, đạo lạ. Các đối tượng xấu, thế lực thù địch thường xuyên lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tôn giáo bằng lời hứa về cuộc sống giàu sang, hạnh phúc, "không làm cũng có ăn". 

Để góp phần thay đổi tình hình trên, huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác tôn giáo. Các hoạt động tuyên truyền được triển khai bám sát nguyên tắc giải quyết vấn đề tôn giáo của Đảng, Nhà nước.   

phổ biến, giáo dục pháp luật 3
Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới, cập nhật thường xuyên, gắp với yêu cầu thực tiến của địa phương, người dân. Ảnh: Văn Ngọc.

Ông Quàng Văn Chiêng, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng ban Dân vận huyện uỷ Sốp Cộp thông tin: Từ năm 2021 đến nay, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến với đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị; các chuyến công tác thăm, động viên, trao đổi của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền với đồng bào sinh hoạt tôn giáo; tuyên truyền qua các phương tiện, thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội.

Nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật được thực hiện gắn với công tác tôn giáo, an ninh biên giới như tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Nghị định số: 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014  của Chính phủ về quy chế biên giới đất liền và Luật Phòng thủ dân sự năm 2023. Nhiều hoạt động đã được triển khai để vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, không di cư tự do, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, huyện Sốp Cộp còn đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình năm 2023, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền Nghị định 61/CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước cộng đồng dân cư; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật thực hiện Dân chủ cơ sở. Đến nay 100% khu dân cư đã xây dựng và thực hiện Quy ước cộng đồng dân cư, ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng dẫn.

phổ biến, giáo dục pháp luật 4
Nhờ làm tốt công tác phổ biến và giáo dục pháp luật, bà con các dân tộc tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao hiểu biết pháp luật, yên tâm phát triển kinh tế, cùng chung tay giữ gìn sự bình yên của bản, làng. 

Trên địa bàn huyện Sốp Cộp, mô hình dòng họ tự quản về an ninh trật tự đã được đưa vào hoạt động tại 5 xã, 7 bản, gồm: 2 mô hình họ Giàng (Bản Pú Hao, Pá Kạch – xã Mường Lạn), 1 mô hình họ Hạng (bản Huổi Pá – xã Mường Lạn);  1 mô hình họ Vừ (bản Kéo Vai – Nậm Lạnh), 1 mô hình họ Mùa (bản Huổi Luông – Mường Lèo), 1 mô hình họ Lậu (bản Púng Pảng – Mường Và), 1 mô hình họ Thào ( Phá Thóng – Sam Kha).

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, các chính sách xã hội đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội được thực hiện tốt. Huyện Sốp Cộp triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…, qua đó, đã từng bước cải thiện đời sống mọi mặt của Nhân dân các dân tộc nói chung, đồng bào theo tôn giáo nói riêng.

Theo ông Chiêng, qua các đợt tuyên truyền và thực hiện các mô hình, bà con các dân tộc đã hiểu được nguyên nhân, nguồn gốc của đói nghèo, lạc hậu, hiểu được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hộ dân đã thay đổi, bắt tay vào lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng khu dân cư bình yên, gia đình hạnh phúc. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con vùng cao là nội dung quan trọng trong công tác dân tộc, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với toàn dân. Từ đây, cùng với việc phát huy nhân tố con người, nhiều hoạt động tuyên truyền của tỉnh Sơn La đã được tổ chức với hình thức phong phú, sinh động, truyền tải những nội dung gắn với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương. Hiệu quả từ những chương trình này không chỉ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, thu hẹp khoảng cách trong hiểu biết về pháp luật giữa người dân vùng đô thị và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; mà còn góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Sơn La. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác