Đưa pháp luật vào đời sống bà con dân tộc vùng cao
Bài 2: Phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật
Những bước chân không ngại ngần
Yên Châu là huyện biên giới của tỉnh Sơn La với 81,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Yên Châu, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con các dân tộc luôn được quan tâm chú trọng. Các hoạt động tuyên truyền pháp luật được đẩy mạnh đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống, dân chủ, văn minh trên địa bàn huyện. Trong đó, có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở.
Xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu là địa phương có nhiều đặc thù: Vừa là xã biên giới, vừa là xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Với đặc điểm địa hình nhiều đồi núi cao, vực sâu, đất dốc, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân tại đây cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong điều kiện đặc biệt như trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại xã Chiềng Tương cũng đã được triển khai linh hoạt, đáp ứng yêu cầu địa phương. Hiện trên địa bàn xã đang có 10 tuyên truyền viên pháp luật, đa phần là người dân tộc Mông, người địa phương.
Hiện đang công tác với chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch, chị Giàng Thị Mò là một trong những tuyên truyền viên pháp luật của xã Chiềng Tương. Nói về hoạt động tuyên truyền trên địa bàn xã, chị Mò chia sẻ: Với vai trò là một tuyên truyền viên pháp luật của xã, chị luôn nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân.
“Bởi đời sống còn nhiều khó khăn, mặc dù nhận thức của bà con đã ngày càng được nâng lên nhưng cũng còn những mặt hạn chế. Cùng với đó, vẫn còn nhiều người chưa đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, vì thế, cũng chưa thể hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Là người dân tộc Mông, lại có lợi thế về ngôn ngữ, tôi luôn cố gắng truyền tải một cách dễ hiểu, gần gũi nhất kiến thức về pháp luật cho bà con. Nhiều buổi tuyên truyền, tôi nói tiếng phổ thông có khi bà con chưa nghe ra nhưng chuyển sang nói tiếng dân tộc là bà con hiểu ngay”, chị Mò chia sẻ.
Để nâng cao chuyên môn và cũng để làm tốt vai trò của một tuyên truyền viên, chị Giàng Thị Mò thường xuyên tự trau dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho bà con. Chị Mò cũng tích cực tham gia các buổi hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên do huyện, tỉnh tổ chức.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: Thực hiện có hiệu quả Chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND xã Chiềng Tương, UBND huyện Yên Châu, UBND tỉnh Sơn La tại xã về Luật phổ biến giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của xã đã tập trung tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp luật năm 2015, năm 2016, năm 2017, năm 2024; đặc biệt chú trọng văn bản mới có hiệu lực năm 2024.
Trong năm 2024, nhiều văn bản pháp luật đã được triển khai đến bà con như Luật thú y; Luật Bảo vệ thực vật; Văn bản pháp luật kinh tế kết hợp với phát triển nông thôn; Luật Đất đai sửa đổi; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Phòng chống thiên tai... Các hoạt động tuyên truyền được triển khai đồng bộ với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, qua đó, nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại các đơn vị, địa phương.
Tạm biệt xã Chiềng Tương, chúng tôi đến với xã Yên Sơn, cũng là một xã vùng cao của huyện Yên Châu. Trên địa bàn xã hiện có hơn 5.600 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Xinh Mun. Để nâng cao hiểu biết về pháp luật cho bà con, xã Yên Sơn đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền tại các bản, kết hợp tuyên truyền miệng với phổ biến qua hệ thống loa đài.
"Từ thực tế tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con, chúng tôi nhận thấy hình thức tuyên truyền thông qua các hội nghị lồng ghép ở bản là giải pháp có hiệu quả tốt nhất. Trao đổi trực tiếp vừa giúp chúng tôi truyền tải các nội dung sinh động, cụ thể hơn, vừa thuận tiện cho bà con để được tư vấn, lý giải sâu thêm. Vì thế, hàng năm, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của xã vẫn thường tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại các hội nghị ở bản".
Ông Đỗ Văn Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Yên Sơn.
Trong năm nay, xã Yên Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con, gồm 1 hội nghị cấp xã, 10 hội nghị tại các bản kết hợp với tuyên truyền. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cho bà con, xã còn tuyên truyền qua các kênh loa, đài, tủ sách pháp luật, tổ chức tổ hòa giải tại các bản…
Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cơ sở
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 205 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 478 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.772 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Thực hiện Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm hoạt động thực chất, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật.
Từ cấp tỉnh đến cơ sở, những nội dung về vị trí, vai trò công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng được quán triệt, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường; rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, để hướng tới xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bảo đảm về số lượng và hoạt động hiệu quả, tỉnh Sơn La tổ chức đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời có giải pháp tăng cường, bổ sung đảm bảo đủ số lượng, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn này.
Nguồn nhân lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh xây dựng, đào tạo bổ sung. Đối tượng người dân tộc thiểu số hoặc người biết tiếng dân tộc thiểu số có đủ năng lực, trình độ thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được ưu tiên. Sơn La cũng có cơ chế thu hút, sử dụng sinh viên, học viên là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, tốt nghiệp các cơ sở đào tạo luật về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo nguồn báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Hàng năm, nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm được tổ chức để tạo không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Các chương trình, nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn được đổi mới theo hướng nâng cao năng lực thực tiễn, lấy báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật làm trung tâm trong bồi dưỡng, tập huấn.
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu; trong đó tập trung vào đối tượng là già làng, trưởng bản, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, hòa giải viên cơ sở. Chỉ riêng trong năm 2024, Sơn La đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền các văn bản Luật mới cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã với tổng số 3.450 lượt đại biểu dự.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được trang bị công cụ, phương tiện, thiết bị và những kỹ năng số cần thiết trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, tính chất đối tượng của Đề án.
Cùng với lực lượng chủ đạo là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, Sơn La bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn để tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng, đồng thời biên soạn, cung cấp tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các tài liệu được trình bày bằng chữ phổ thông hoặc song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số tùy theo yêu cầu của hình thức tuyên truyền. Tỉnh cũng tăng cường huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Những nỗ lực để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nêu trên đã góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn tỉnh. Theo báo cáo của các ngành thành viên thuộc Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện của Sơn La trong năm 2024 đã tổ chức được 4.825 cuộc tuyên truyền pháp luật với tổng số 293.590 lượt người nghe; phát miễn phí 90.000 tờ gấp pháp luật để nhân dân tự tìm hiểu. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 191/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận thông tin pháp luật, đạt tỷ lệ 94%.
Phát huy vai trò trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Sơn La đã và đang góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, từ đó, đưa pháp luật vào đời sống của bà con những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó, lực lượng này đã chung tay góp sức củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
(Còn tiếp)
- Bài 1: Những “cầu nối” tại bản, làng vùng cao
- Vụ bứng cây tạo “cảnh trời Âu” ra khỏi rừng ở Quảng Trị: Đã rõ đơn vị chịu trách nhiệm!
- Xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ
- Công an vào cuộc vụ "Người dân "ngậm trái đắng" vì hội thảo bán hàng, cơ quan chức năng địa phương không hay"