Khi nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống:
Bài cuối: Đảm bảo tính khoa học, sát thực tiễn và có giải pháp đột phá
“Ý Đảng” kết tinh từ gốc rễ của “Lòng Dân”
Sau khi đăng 4 kỳ loạt bài “Khi Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống” phản ánh về tính sáng tạo, hiệu quả cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng nói chung, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng tỉnh Nghệ An nói riêng của một số địa phương miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, Tạp chí Nông thôn mới nhận được nhiều phản hồi tích cực. Một số ý kiến đề nghị Tạp chí tiếp tục có thêm những bài ghi nhận, biểu dương các điển hình tiên tiến để kịp thời thông tin, chia sẻ, cổ vũ các địa phương, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để các nghị quyết của các cấp uỷ Đảng trong tỉnh Nghệ An có được hiệu ứng tích cực, lan tỏa vào cuộc sống và tạo nên giá trị cuộc sống, điều thứ nhất có thể nhận thấy, các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng như các địa phương cấp huyện, cấp xã đã được chuẩn bị công phu, sát thực tiễn và phù hợp với những điều kiện đặc thù của từng vùng, nhằm hướng đến tính bền vững, phát triển toàn diện và có tính chiến lược. Trong việc thực hiện các nghị quyết mà Tạp chí Nông thôn mới đề cập ở loạt bài “Khi nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống”, mỗi nghị quyết khi xây dựng đều lấy dân làm gốc và trên cơ sở khảo sát, lắng nghe ý kiến, nắm bắt nhu cầu, mong muốn cũng như khả năng thực hiện có hiệu quả của các tầng lớp nhân dân.
Điều này có thể thấy rõ tại Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Từ Chỉ thị này, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1595/QĐ-UBND ngày 08/6/2022 về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu chung: Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế; nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh, xây dựng kế hoạch lộ trình tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn theo các mức độ…; tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân; Giữ vững môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
Thông qua nhiều hình thức đối thoại, các buổi tiếp xúc cử tri cùng những chuyến công tác của lãnh đạo cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền về các địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ của người dân, cấp uỷ các cấp nắm bắt chính xác thực tiễn để đưa vào nghị quyết, và từ nghị quyết triển khai sát với cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới về quá trình đưa các nghị quyết của Đảng “ăn sâu, bám chắc” vào đời sống nhân dân, để không trở thành những "nghị quyết treo” hoặc được thực hiện không đạt kết quả mong đợi, ông Vi Văn Hòe - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Kỳ Sơn là địa bàn có nhiều đặc điểm đặc thù từ điều kiện địa lý, khí hậu cho đến nhân tố con người. Bởi vậy, trong quan điểm lãnh đạo phải duy trì được mối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại để Kỳ Sơn từng bước giảm nghèo, phát triển bền vững.
Ông Vi Văn Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: "Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá 23, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở 30 mục tiêu, chỉ tiêu, 29 chương trình đề án và 3 khâu đột phá. Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn chủ trì tham mưu thực hiện, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình, đề án trên cơ sở bám sát tình hình, đặc điểm, điều kiện, tiềm năng lợi thế của địa phương và cân đối các nguồn lực để thực hiện; tập trung rà soát, bổ sung những giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, huyện nêu cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận trong nhân dân và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ".
Cần có con người sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Điều thứ hai có thể nhận thấy là qua những điển hình thực hiện các nghị quyết của các cấp uỷ Đảng đạt hiệu quả tại huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu mà Tạp chí Nông thôn mới đề cập, thấy rõ một thực tế là, nghị quyết hợp lòng dân, nhưng nếu không được tổ chức thực hiện có bài bản và chu đáo, không có cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để triển khai, hoặc không có sự đau đáu với người dân và sự phát triển của địa phương, không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của tổ chức Đảng… thì nghị quyết vẫn rất khó đi đến cái đích cuối cùng là vào lòng Dân, trở thành ý chí, động lực không chỉ của cán bộ, đảng viên mà là ý chí, động lực của người dân. Bác Hồ đã từng dạy Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Việc cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trực tiếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Điểm nổi bật thứ ba mà tỉnh Nghệ An đã thực hiện được trong những năm gần đây là khi nghị quyết của Đảng cấp trên hoặc cấp uỷ Đảng được ban hành, sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa sau đó bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện của chính quyền cùng cấp. Một ví dụ có thể thấy rõ các cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì ở Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 04/01/2018 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2020. Sau khi có Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Nghị quyết hỗ trợ đối với mô hình hộ gia đình: 50 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Tổng cục Du lịch; 50 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị ban đầu để phục vụ khách du lịch.
Theo đó, các thôn, xóm, bản được hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ; hỗ trợ 15 triệu đồng/thôn, xóm, bản lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh. Đối với UBND cấp huyện, tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng kinh phí tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân; hỗ trợ 100 triệu đồng kinh phí tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cộng đồng. Nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện. Chính sự hỗ trợ này đã tiếp thêm động lực cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư hoàn thiện hơn về các khâu trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Để hướng đến xây dựng tỉnh Nghệ An phát triển xứng tầm theo Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã có những Nghị quyết riêng phát triển theo hướng mũi nhọn cho các huyện, thị xã trở thành trung tâm đô thị của tỉnh. Cụ thể, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 19/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 02 – NQ/TU, ngày 2/7/2021 của BTV Tỉnh ủy Nghệ An về xây dựng, phát triển thị xã Thái Hòa thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An… Những bài học kinh nghiệm thành công và cả bài học chưa thành công trong việc xây dựng, triển khai các nghị quyết sẽ tiếp tục được các cấp uỷ Đảng trong tỉnh Nghệ An tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và rút ra trong kỳ đại hội Đảng các cấp sắp tới, trên cơ sở đó xây dựng các nghị quyết nhiệm kỳ mới.
Với khát vọng vươn lên của người dân, với trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, cũng như truyền thống cách mạng của quê hương, tin rằng, Nghệ An sẽ chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 20025-2030 và thực hiện có hiệu quả cao Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, để xây dựng Nghệ An thành quê hương giàu mạnh, hạnh phúc, “Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời mong muốn.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025